Thực hiện Kế hoạch số 91 ngày 24/4/2013 của Bộ Công an về triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn, trong 5 năm qua, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, công tác trọng tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC; qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.
Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm tốt công tác nắm tình hình và dự báo tình hình; tổ chức tốt công tác thường trực chữa cháy, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy kịp thời, hiệu quả các vụ cháy xảy ra. Do vậy, từ năm 2013 đến nay, trong khi nhiều tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì trên địa bàn tỉnh ta không xảy ra vụ cháy lớn nào. Việc tổ chức chữa cháy được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không để cháy kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, nhìn lại việc thực hiện Kế hoạch số 91 của Bộ Công an về phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là: Một số cơ sở vẫn chưa thực sự quan tâm, còn coi nhẹ công tác phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn, việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa cháy lớn còn hình thức. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về PCCC tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như dệt may, chợ, trung tâm thương mại, xăng dầu khí đốt hóa lỏng… luôn tồn chứa một khối lượng chất cháy lớn, lực lượng bảo vệ thường trực chữa cháy còn mỏng; việc thông tin liên lạc khi có cháy còn lúng túng… Nguyên nhân của những tồn tại trên là do kinh phí phục vụ công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC. Khoảng cách từ các đơn vị Cảnh sát PCCC đến cơ sở có nguy cơ cháy lớn còn quá xa so với yêu cầu PCCC lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của người đứng đầu một số cơ sở trong chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC còn hạn chế; một bộ phận người dân còn chủ quan lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt nên còn để xảy ra cháy.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy nổ có thể sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lớn có thể xảy ra, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lan, cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiện hại do cháy gây ra, Công an tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường nắm tình hình, chủ động đề ra các giải pháp chiến lược về PCCC. Lực lượng Công an tăng cường việc chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, tránh các vụ cháy lớn. Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác PCCC. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC; xây dựng chiến lược PCCC và CNCH đối với các địa bàn, công trình trọng điểm về PCCC như khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp, thương mại, công trình nhà cao tầng… Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lực lượng và phương tiện PCCC. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho đội ngũ PCCC chính quy và dân phòng, làm tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, bảo đảm an toàn về PCCC, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trần Dũng