Theo số liệu thống kê của Tỉnh đoàn, từ đầu năm đến nay thành phố Ninh Bình là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng các đám cưới văn minh, tiết kiệm được tổ chức. Về phường Bích Đào, nơi có nhiều đám cưới được tổ chức theo mô hình "ba không", anh Đinh Hải Châu, Bí thư Đoàn phường, vui vẻ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường đã tổ chức được 38 đám cưới văn minh, tiết kiệm, trong đó có 4 đám cưới được tổ chức tại nhà văn hóa phố với sự tham gia đông đủ của cấp ủy, chính quyền địa phương và đại diện các đoàn thể. Với các đám cưới tổ chức tại nhà văn hóa, Đoàn thanh niên là lực lượng chủ lực cùng gia đình hai bên lo mọi thứ cần thiết cho đám cưới. Từ việc dựng rạp, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, bánh kẹo đãi khách… nên cô dâu, chú rể trong ngày cưới đỡ mệt mỏi vì lo lắng.
Bản thân anh Đinh Hải Châu, khi có ý định kết hôn, anh đã bàn bạc với người bạn đời của mình để "đả thông" tư tưởng cho cô dâu về việc tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm. Với họ hàng và gia đình mình, anh cũng chia sẻ ý định và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bố mẹ. Vì vậy, với cả hai bên gia đình, những ngày chuẩn bị cho đám cưới không còn phải lo lắng nhiều. Khi tham dự đám cưới "ba không" của con cái, nhiều người lớn tuổi đều đánh giá cao hình thức tổ chức vừa tiết kiệm mà vẫn đảm bảo không khí vui tươi, đầm ấm. Với Đoàn phường Bích Đào, nhiều năm nay cưới văn minh, tiết kiệm đã trở thành hoạt động hết sức bình thường của phần lớn đoàn viên, thanh niên khi đến tuổi lập gia đình. Việc tuyên truyền, vận động để họ hàng, cha mẹ hai bên chấp thuận tổ chức cưới theo nếp sống mới giờ cũng thuận lợi hơn nhiều. Do đó, trong tổng số các đám cưới được tổ chức trên địa bàn, Bích Đào đã có hơn 80% đám cưới được tổ chức theo mô hình "3 không", "4 không"…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã có 310 đám cưới được tổ chức theo mô hình "ba không", được đoàn viên, thanh niên và nhân dân đón nhận, ủng hộ. Theo anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn Ninh Bình: Với đặc thù của thành phố nên việc áp dụng thực hiện các mô hình đám cưới theo hình thức "ba không", "bốn không" hay "năm không"… phụ thuộc vào tình hình thực tế. Trên cơ sở tìm hiểu và khảo sát nhu cầu, việc tổ chức đám cưới của thanh niên, Thành đoàn Ninh Bình tập trung tuyên truyền, vận động trong đoàn viên thanh niên hưởng ứng việc tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm theo mô hình "ba không" gồm: không thuốc lá, không rượu, không cỗ bàn linh đình.
Đặc biệt, với các đám cưới tổ chức tại nhà văn hóa của mỗi đoàn viên, thanh niên đều có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn trong việc tổ chức đám cưới, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, dẫn chương trình, bánh kẹo đãi khách. Trong ngày vui của đôi bạn trẻ còn nhận được quà mừng đám cưới của Thành đoàn và các đoàn thể của thành phố, của xã, phường nên tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Với cách làm bám sát cơ sở, chú trọng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên… hàng năm, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã có hàng trăm đám cưới được tổ chức theo mô hình "ba không", chiếm khoảng trên 90% các đám cưới được tổ chức. Trong đó có 50% đám cưới được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn, xóm, phố.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, các đám cưới được tổ chức trên địa bàn thành phố còn chú trọng chấp hành tốt các quy định về dựng rạp cưới, thời gian tổ chức đám cưới, mở nhạc không quá 22 giờ đêm, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các mô hình điểm về cưới văn minh, tiết kiệm được tổ chức từ năm 2007. Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động "cưới văn minh, tiết kiệm", hàng năm trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn đám cưới được đoàn viên, thanh niên tổ chức theo nếp sống mới với các hoạt động mang đậm ý nghĩa: lễ thành hôn được tổ chức trang trọng tại nhà văn hóa thôn, xóm, phố, không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài mà tiếp khách bằng bánh kẹo, hoa quả, chè nước, đặc biệt là không có thuốc lá. Trước ngày tổ chức lễ thành hôn, cô dâu, chú rể đến thắp hương tại đài tưởng niệm hoặc nghĩa trang liệt sỹ, lãnh đạo địa phương trao giấy chứng nhận kết hôn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể tới hạnh phúc trăm năm của đôi bạn trẻ...
Ngay cả những tiết mục văn nghệ chào mừng ngày vui của đôi bạn trẻ cũng là những tiết mục "cây nhà lá vườn" do chính tổ chức Đoàn ở cơ sở đứng ra đảm nhiệm. Để các mô hình điểm ban đầu được nhân ra diện rộng, trở thành một phong trào được nhiều đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, tham gia, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đoàn viên thanh niên và người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm, góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, việc làm của đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong việc tham gia xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư bằng những việc làm cụ thể, thiết thực từ mỗi cá nhân, gia đình. Triển khai thực hiện mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, nhiều huyện, thị, thành Đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, có những cách làm sáng tạo, phù hợp. Với các bạn trẻ quyết định tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức Đoàn ở cơ sở đứng ra lo toàn bộ các công việc chuẩn bị cho đám cưới, hỗ trợ trong việc tổ chức tiệc ngọt, văn nghệ… còn giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được khoản chi phí từ 6-15 triệu đồng, là chi phí khá lớn so với thu nhập của nhà nông.
Những đám cưới không tổ chức linh đình, tốn kém, không để xảy ra các tệ nạn cờ bạc, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, an ninh trật tự… đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không chỉ mỗi gia đình, dòng họ mà còn của cấp ủy, chính quyền các đoàn thể và toàn xã hội. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình, đặc thù của mỗi địa phương mà các mô hình cưới "ba không", "năm không" được áp dụng tuyên truyền, vận động tổ chức cho phù hợp nên hầu hết các lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương.
Tình trạng làm cỗ linh đình, mời ăn cỗ tràn lan đã được hạn chế, không kéo dài nhiều ngày, việc ăn uống chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, nội tộc và bạn bè thân thiết. Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới. Trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, của nhiều đoàn viên, thanh niên đã thể hiện rõ tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện cưới theo nếp sống mới, là động lực để cưới văn minh, tiết kiệm trở thành phong trào của tuổi trẻ.
Nhìn vào số liệu các đám cưới văn minh, tiết kiệm được tổ chức từ đầu năm đến nay của các đơn vị: Thành đoàn Ninh Bình 310 đám cưới, Huyện đoàn Kim Sơn 53 đám cưới, Huyện đoàn Yên Mô 100 đám cưới, Huyện đoàn Gia Viễn 46 đám cưới… đã cho thấy nỗ lực của tổ chức Đoàn trong việc đưa các đám cưới văn minh, tiết kiệm từ mô hình trở thành phong trào.
Tuy nhiên, để duy trì phong trào ý nghĩa này, cùng với nỗ lực của tổ chức Đoàn, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho việc tổ chức cưới của đoàn viên, thanh niên, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Bài, ảnh: Bùi Diệu