Khởi đầu từ 3 mô hình cưới văn minh, tiết kiệm điểm tại xã Gia Thịnh, Gia Vân (Gia Viễn) và Ninh Giang (Hoa Lư), đến nay cưới văn minh, tiết kiệm đã được nhân rộng tới đông đảo đoàn viên, thanh niên, hội viên trên địa bàn toàn tỉnh. Nét đặc trưng của các đám cưới theo nếp sống mới đó là: Lễ thành hôn được tổ chức trang trọng tại hội trường UBND xã, phường, thị trấn; không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài mà tiếp khách bằng bánh kẹo, hoa quả, chè nước, đặc biệt là không có thuốc lá.
Trước ngày tổ chức lễ thành hôn, cô dâu, chú rể đến thắp hương tại Đài tưởng niệm hoặc Nghĩa trang liệt sỹ xã, phường, thị trấn, lãnh đạo địa phương trao giấy chứng nhận kết hôn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể tới hạnh phúc trăm năm của đôi bạn trẻ... Những tiết mục văn nghệ chào mừng ngày vui của đôi bạn trẻ là những tiết mục "Cây nhà lá vườn" do chính tổ chức Đoàn ở cơ sở đứng ra đảm nhiệm.
Triển khai thực hiện mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, nhiều huyện, thị, thành Đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, có những cách làm sáng tạo, phù hợp để cưới văn minh, tiết kiệm được nhân ra diện rộng, đáp ứng nhu cầu của nhiều nam, nữ thanh niên đến tuổi kết hôn. Với nhiều giải pháp thực hiện như: Xây dựng mô hình mẫu, tổ chức tập huấn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tổ chức tọa đàm, phát tờ rơi, xây dựng "Quỹ hạnh phúc", thành lập đội thanh niên tình nguyện chuyên đứng ra tổ chức hôn lễ cho các đám cưới "6 không"...
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm có hàng nghìn đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới với sự "chủ trì" của tổ chức Đoàn đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được khoản chi phí không cần thiết (từ 6-15 triệu đồng), là chi phí khá lớn so với thu nhập của nhà nông và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không chỉ mỗi gia đình, hôn chủ mà còn của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội.
Từ tháng 7-2009 đến tháng 7-2010, trên địa bàn tỉnh đã có trên 3.000 lễ cưới được tổ chức. Các đám cưới đều được tiến hành trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình. UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn cho các đôi nam nữ trước khi tiến hành lễ cưới. Các lễ cưới phần lớn được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế-xã hội của gia đình, địa phương. Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới. Trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, của nhiều đoàn viên, thanh niên đã thể hiện rõ tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện cưới theo nếp sống mới. Nhiều nơi đã bỏ tục "lại mặt", thách cưới, không đua tranh làm cỗ to gây lãng phí, không lợi dụng đám cưới để bày tỏ sự trả ơn, không dùng uy tín, ảnh hưởng của mình để vụ lợi. Tình trạng sử dụng xe công trong cưới hỏi về cơ bản đã chấm dứt.
Tuy nhiên, số lượng đám cưới tổ chức theo nếp sống mới chưa tương xứng với tổng số đám cưới của thanh niên tổ chức hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh…
Mùa cưới đang đến, ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đâu đâu cũng có thể bắt gặp các đôi nam nữ chuẩn bị các điều kiện cho ngày trọng đại của cuộc đời: Đặt thiếp mời, chọn thuê váy cưới, mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình nhỏ…
Hơn bao giờ hết, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là hết sức cần thiết. Đó cũng là một cách góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở mỗi khu dân cư.
Lý Nhân