Nhà thơ Phan Huy Hùng, hiện đang sinh sống tại Hà Nội nhưng có hơn 40 năm gắn bó với vùng đất Hạ Long-Quảng Ninh, năm nay đã vào cái tuổi "Thất thập cổ lai hy" chia sẻ: Mặc dù có nhiều năm gắn bó với quê hương Quảng Ninh nhưng ông cũng chưa có nhiều bài thơ hay viết về vùng đất này, nhưng hiểu về nó thì quá rõ. Đối với Ninh Bình, dù chưa nhiều lần về thăm do công cuộc mưu sinh, nhưng gần đây, dù tuổi đã cao nhưng được dịp "trở về", và mặc dù chỉ có ít thời gian thăm quan, chiêm nghiệm một số khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nhưng trong ông đã đầy ắp kỷ niệm, tình yêu; cảm nhận như đã được sống và gắn bó với vùng đất này từ lâu lắm rồi, từ đó thôi thúc ông viết nên tác phẩm "Song sinh" và đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ "Tâm vọng Cố đô".
Bà Lương Thu Huyền, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, thành viên Ban Quản trị Diễn đàn Văn chương và Cuộc sống, chia sẻ: "Tiếng vọng Cố đô" là cuộc thi thơ cho những nhà thơ chuyên và không chuyên được trở về với các vùng Cố đô trong cái nắng gắt gao của mùa hè - về với lịch sử của hàng nghìn năm trước, để chứng kiến nỗi đau chiến tranh cũng như niềm vui hạnh phúc trong ngày hòa bình và cảm kích trước những thân phận tình yêu được thử thách qua mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc chạy đua khốc liệt của thời gian".
"Tiếng vọng" trong cuộc thi thơ là tình cảm của những con người dành cho quê hương, đất nước bằng một tình yêu thiêng liêng bất tận; là hồn thiêng sông núi, nước non, là hình ảnh địa linh, nhân kiệt sừng sững, uy nghi, được thể hiện qua những vần thơ chân chất, hào hùng, oanh liệt, đầy chất nhân văn cao cả. Đó là "di sản", là bản anh hùng ca thời chiến được tái hiện sinh động giữa thời bình thông qua những "thước phim" bằng thơ ca, đã truyền đạt, thể hiện xuất sắc những câu chuyện kể xuất phát từ tâm hồn hướng thiện hướng về cội nguồn. Chính những điều đó giúp cho tuyến đường trở về Cố đô không còn là rào cản về không gian địa lý, về giới tính, tuổi tác, mà là chuyến trải nghiệm thú vị hữu ích dành cho tất cả những tâm hồn yêu cái đẹp trên khắp dải đất Việt Nam thân yêu. Và không ai khác, hướng dẫn viên du lịch lúc này chính là những cây bút nghiệp dư đầy tâm huyết của Diễn đàn Văn chương và Cuộc sống…" - Bà Lương Thu Huyền cho biết thêm.
Trong tập thơ "Tâm vọng Cố đô", trong 120 bài thơ vào vòng chung khảo có rất nhiều tác phẩm thơ viết về Ninh Bình, với những địa danh thắng cảnh, lịch sử nổi tiếng, ghi đậm dấu ấn về mảnh đất - con người Ninh Bình, như: "Song sinh" - tác giả Phan Huy Hùng; "Thung Lau" - Nguyễn Văn Chung; "Đất mẹ Ninh Bình" - Nguyễn Thị Bích Đào; "Thung Nham ngày trở về" - Đinh Tiến Hải; "Kỳ quan Tràng An" - Trần Tuấn Hùng; "Ký ức Hoa Lư"- Lê Khang; "Cố đô 1050 năm văn hiến" - Đinh Thị Luyến; "Thượng Kiệm quê mình" - Nguyễn Xuân Mỹ… Đây là những tác phẩm của các tác giả là những người đang sinh sống và làm việc tại Ninh Bình, những người con quê hương Ninh Bình đang công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, những người con Ninh Bình đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài và nhiều tác giả là những người "khách lạ" có thể đã đến hoặc chưa từng ghé thăm và cảm nhận về Ninh Bình. Những tác phẩm thơ viết về các vùng Cố đô nói chung, vùng đất địa linh, nhân kiệt - nói riêng là minh chứng rõ nhất cho tình cảm, nỗi niềm, tình yêu thương mà mỗi tác giả đã trao tặng, gửi gắm để hướng về nguồn cội.
Theo ông Trần Xuân Đạt, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Tam Điệp, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, nhằm tôn vinh lòng tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của những vùng đất Cố đô như Hoa Lư - Ninh Bình, Thăng Long - Hà Nội, Cố đô Huế… , Diễn đàn Văn chương và Cuộc sống tổ chức cuộc thi sáng tác thơ trong cộng đồng với chủ đề "Tâm vọng Cố đô". Cuộc thi được phát động, diễn ra từ cuối tháng 3 và kết thúc vào tháng 6/2018. Các tác phẩm dự thi được công bố và đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook Diễn đàn Văn chương và Cuộc sống, giúp công chúng yêu thích và mến mộ văn chương cùng tham khảo về chất lượng, giá trị của các tác phẩm thơ và bình chọn.
Từ hơn 5.400 tác phẩm của các tác giả gửi qua hộp thư điện tử, qua bưu điện cho thấy nhiều tác phẩm có hàm lượng nghệ thuật cao, tứ thơ đẹp. Các tác phẩm đặc sắc được tuyển chọn và giới thiệu từ Ban sơ khảo vào vòng Chung khảo là những tác phẩm đã đáp ứng đúng và đủ tiêu chí, thể lệ cuộc thi quy ước, góp sức làm nên Tuyển tập thơ "Tâm vọng Cố đô". Ban giám khảo đã lựa chọn ra 1.200 tác phẩm vào sơ khảo và 120 tác phẩm vào chung khảo, xét và chấm giải trên cơ sở khoa học văn bản, công khai và minh bạch.
Tại Đêm thơ "Tâm vọng Cố đô" - trao giải thưởng vinh danh tác giả - tác phẩm đạt giải trong cuộc thi thơ "Tâm vọng Cố đô", Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho các tác phẩm vào chung khảo và trao các giải thưởng cho các tác phẩm thơ xuất sắc, gồm: 2 giải nhì, 3 giải ba, 8 giải tư và các giải phụ như: Giải sáng tạo, giải truyền thống, giải lời bình hay nhất, giải cho người cao tuổi nhất, người nhỏ tuổi nhất…
Hạnh Chi