Đồng chí Đinh Huy Lựa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nằm trong vùng phân lũ của khu hữu ngạn sông Hoàng Long nên Gia Phong chịu ảnh hưởng của thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán vào mùa khô và lụt lội vào mùa mưa. Toàn xã có diện tích tự nhiên trên 555 ha, nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp lại không màu mỡ, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán sản xuất còn lạc hậu, vì vậy cái nghèo đeo bám dai dẳng. Những năm trước đây người dân chỉ sản xuất được 1 vụ chiêm ăn chắc, vụ mùa thường xuyên thất bát do ảnh hưởng của lũ tiểu mãn. Hệ thống kênh mương lại chưa đồng bộ, nhiều diện tích thâm canh vẫn chưa thể chủ động được tưới, tiêu. Hầu hết người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nghề nông, không có nghề phụ, thu nhập bấp bênh, bình quân lương thực đầu người đạt thấp. Điều đáng nói là tập quán sản xuất theo lối tự cung, tự cấp vẫn còn khá phổ biến trong nhân dân, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND xã đã ban hành các Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, UBND xã thành lập Ban quản lý và các Ban phát triển thôn, thường xuyên kiện toàn bổ sung bộ máy; xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch xây dựng NTM của xã. Công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, chính sách trong xây dựng nông thôn mới được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú như qua việc lồng ghép các hội nghị, băng zôn, khẩu hiệu, pa nô và trên hệ thống đài truyền thanh xã, đảm bảo thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân. Xã phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn xã, động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của nhân dân đã thực sự thay đổi, người dân đã hiểu được rằng xây dựng nông thôn mới chính là chăm lo cuộc sống của bản thân và cộng đồng tốt hơn, người dân là chủ của chương trình, từ đó tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 6 năm (2011-2017) triển khai xây dựng nông thôn mới, Gia Phong đã huy động trên 252 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí, trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng (chiếm 10%); vốn vay tín dụng trên 120 tỷ đồng (chiếm 48%); vốn doanh nghiệp trên 5,2 tỷ đồng, chiếm 2 % còn lại 40% là vốn tham gia của nhân dân và con em quê hương. Đến nay, kết cấu hạ tầng của địa phương được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và đạt chuẩn theo quy định, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Xã đã tiếp nhận 1.341,2 tấn xi măng, làm mới, nâng cấp 158 tuyến đường với tổng chiều dài 10 km. Hệ thống kênh mương tưới tiêu đã được quan tâm đầu tư kiên cố đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Cơ sở vật chất trường học, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 2/3 trường học của xã đã đạt chuẩn quốc gia, trường THCS đến tháng 6/2018 hoàn thiện hồ sơ công nhận trường đạt chuẩn. Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh cho nhân dân; cơ sở hạ tầng thương mại ngày một hoàn thiện; các công trình nhà văn hóa xã, trụ sở UBND xã; hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.
Trong phát triển kinh tế, xã đặc biệt quan tâm chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Toàn xã có 36 gia trại hoạt động có hiệu quả. Đi đôi với công tác quy hoạch sản xuất, Gia Phong đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận tiến bộ KHKT... Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân có điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Hiện nay trên địa bàn xã có 117 hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề phi nông nghiệp và vận tải thủy với trên 270 lao động tham gia hoạt động thường xuyên. Tổng giá trị sản xuất ngành nghề, dịch vụ, vận tải thủy ước đạt trên 80 tỷ đồng/năm, đưa tỷ trọng kinh tế trong công nghiệp- xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm 20%. Năm 2017, giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 90 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,39%.
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, Gia Phong đã luôn coi trọng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua việc triển khai và thực hiện tốt phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, thực hiện tốt quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, toàn xã có 8/10 xóm đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa, chiếm 80%.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Mục tiêu của Gia Phong trong thời gian tới là nâng cao chất lượng các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2022 xã Gia Phong trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu này, xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, hoàn thiện cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn, chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp, hệ thống công trình tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường khu dân cư. Đồng thời triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, sản xuất lúa - cá theo quy hoạch; phát triển tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn thực phẩm. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã, trang trại; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Mai Lan