Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1496/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 thì đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 946,3ha. Đến nay toàn tỉnh đã có 15 cụm công nghiệp (CCN) được UBND tỉnh quyết định thành lập, trong đó có 8 CCN do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, 6 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 1 CCN do Trung tâm Đầu tư phát triển CCN tỉnh làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động của CCN do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn (kinh phí đầu tư hạ tầng hạn hẹp, nhân lực còn thiếu nên việc kiểm tra, kiểm soát cũng như báo cáo không sát sao...). Theo đại diện Sở Công thương, các CCN trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh. Một số CCN đạt tỷ lệ lấp đầy cao, như: Ninh Phong, Ninh Vân... Nhiều cụm cũng đang tạo sức hút mạnh mẽ với các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân; phát triển nghề truyền thống như nghề cói ở CCN Đồng Hướng, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong...
Qua khảo sát, vẫn còn một số CCN khó thu hút cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động cũng như khó thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN. Nhiều CCN vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đường nội bộ, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải… Nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh.
Căn cứ quy định tại Điều 15, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN cũng như đáp ứng yêu cầu về tinh giản biên chế, bộ máy, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 về việc chuyển nhiệm vụ quản lý, đầu tư và phát triển một số CCN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc quản lý, đầu tư và phát triển các CCN Yên Ninh và CCN Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), CCN Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), CCN Mai Sơn (huyện Yên Mô), CCN Sơn Lai và CCN Phú Sơn (huyện Nho Quan), CCN Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) được chuyển từ UBND các huyện, thành phố về Trung tâm Đầu tư phát triển CCN tỉnh Ninh Bình.
Triển khai thực hiện Quyết định trên, Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch số 17/KH-SCT ngày 8/1/2018 và tổ chức làm việc với UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn, trao đổi và thống nhất trình tự, thủ tục, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác chuyển giao nhiệm vụ quản lý, đầu tư và phát triển một số CCN từ UBND các huyện, thành phố về Trung tâm Đầu tư phát triển CCN tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Đầu tư phát triển CCN tỉnh Ninh Bình chủ động phối hợp với phòng chuyên môn các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra hồ sơ, tài liệu và các nội dung có liên quan để thuận lợi cho việc quản lý, đầu tư và phát triển các CCN sau khi nhận bàn giao.
Tính đến ngày 10/3/2018, Sở Công thương đã hoàn thành việc ký kết Biên bản bàn giao 7 CCN trước đây do UBND các huyện, thành phố quản lý, đầu tư và phát triển về Trung tâm Đầu tư phát triển CCN, gồm: CCN Yên Ninh và CCN Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), CCN Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), CCN Mai Sơn (huyện Yên Mô), CCN Sơn Lai và CCN Phú Sơn (huyện Nho Quan), CCN Ninh Phong (thành phố Ninh Bình).
Trong thời gian tới, để việc quản lý, phát triển CCN đi vào nề nếp và đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Sở Công thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Đầu tư phát triển CCN tỉnh nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục có liên quan như lập hồ sơ mở rộng, lập dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường,… và triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các CCN theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo Yến