Theo lời kể của anh Thăng, vào khoảng
năm 1990, lúc anh đang học lớp 11, nghỉ hè rỗi rãi anh và một người bạn thân
nảy ra ý định muốn đi "chu du thiên hạ". Tuổi trẻ lãng mạn "nói là làm", dù không được gia đình ủng hộ, hai chàng trai trẻ vẫn quyết chí lên đường vào Nam để thỏa chí tang bồng. Phải nói ở thời điểm đó, đây là một quyết định có phần khá phiêu lưu, nếu không muốn nói là liều lĩnh. Điều đáng nói là trong chuyến "hành hương phương Nam" ấy, hai cậu học sinh trung học đó đi bằng... xe đạp. Lưng vốn của họ trong chuyến đi ấy ngoài mấy trăm ngàn đồng làm lộ phí, chỉ vẻn vẹn vài cân da trâu và một bộ đồ nghề làm trống.
Cứ thế họ rong ruổi, ngày đi được vài chục cây số. Khi đi dọc các địa phương ven quốc lộ 1, hễ nơi nào có đình, chùa, miếu mạo là họ ghé vào hỏi thăm, vừa xin chỗ ngủ vừa "tiếp thị" nghề bung trống. Khi khách đặt hàng là họ lại dừng chân làm nghề. Cứ như vậy, sau ba tháng trời ròng rã anh Thăng và người bạn đã đạp xe vào tới...thành phố Hồ Chí Minh. Sài Thành những năm đầu sau mở cửa, mọi thứ đều dễ dàng, đôi bạn trẻ đã thuê một cửa hiệu và làm nghề bung trống. Với tay nghề "cứng" lại hầu như không gặp phải sự cạnh tranh vì là "hàng độc", hai chàng trai trẻ đã "phất" lên nhanh chóng, các đơn hàng tới tập đến. Anh Thăng và người bạn đều mua được đất, mở tiệm riêng làm nghề trống Đọi Tam giữa đất Sài Gòn.
Đang làm nghề yên ổn trong khoảng mươi năm, một hôm có một người bạn đồng hương tới chơi, nhân kể chuyện có người thân đang sinh sống tại miền Tây, anh Thăng quyết định rong chơi miền Tây một chuyến. Vậy là anh cho thuê cửa tiệm, cùng người bạn xuôi về miền "gạo trắng nước trong". Cũng vẫn câu chuyện cũ: đi, làm nghề. Chỉ có điều lần này nhờ có lưng vốn sau những năm tích lũy tại Sài Gòn, anh Thăng đã có thể vừa làm nghề vừa đi du lịch. Thời gian anh lưu lại các địa phương miền Tây lâu hơn. Trong thời gian ấy chàng thợ trống làng Đọi tranh thủ thăm thú, thưởng thức ẩm thực vùng sông nước.
Đầu năm 2009, sau mười mấy năm phiêu bạt, anh Thăng về thăm quê, nhân đó kết duyên cùng một cô gái cùng làng.
Có gia đình, lại đứng tuổi, "máu xê dịch" trong người đã nhạt, anh Thăng quyết định bán toàn bộ cửa tiệm tại Sài Gòn về quê lập nghiệp. Ban đầu anh cùng gia đình mở cơ sở chế biến da trâu cung cấp cho làng nghề. Tuy nhiên anh nhận thấy nếu làm tại làng sản phẩm tiêu thụ chậm do có quá nhiều hộ cùng làm nghề này.
Năm 2010, nhân dự khai hội Bái Đính, thấy vui cảnh mến người, anh Thăng nảy ra ý định sẽ đến Ninh Bình lập nghiệp. Theo lý luận của anh Thăng: "Ninh Bình không quá xa nên tôi có thể về quê dễ dàng, nhưng không quá gần để phải chịu áp lực cạnh tranh của làng nghề, vả lại đây cũng là một thị trường nhiều tiềm năng". Năm ấy, anh Thăng tìm mua đất, làm nhà tại La Mai (Ninh Giang, Hoa Lư) và phát triển nghề làm trống Đọi Tam của mình.
Ninh Bình quả đúng là "nơi đất lành chim đậu", chỉ mấy năm sau khi khởi nghiệp tại Ninh Giang (Hoa Lư) nay cửa hàng trống của anh Phạm Công Thăng đã có thương hiệu, khách đông. Sản phẩm trống Đọi Tam của cơ sở anh Thăng từ Ninh Bình được xuất bán đi khắp nơi, cuộc sống của người thợ trống cũng vì đó mà được sung túc. Anh Thăng cũng chia sẻ kinh nghiệm về nghề: "Sản phẩm bán chạy vì người làm trống có tay nghề cứng, thứ nữa là khâu tiếp thị. Tuy nhiên, gì thì gì chất lượng kỹ, mỹ thuật của sản phẩm phải đặt lên hàng đầu".
Ở tuổi ngoài "tam thập nhi lập" người thợ trẻ đã chọn Ninh Bình làm nơi lập nghiệp đã tâm sự đầy thấm thía: "Thời trẻ tôi đã đi khắp các tỉnh miền Nam, trải đủ cả vui buồn của người thợ nghề, nay đậu lại đất này cũng thấy thanh thản. Mừng nhất là vừa được ở gần quê lại sống được bằng nghề. Âu cũng là đất lành chim đậu...". Lời tâm sự của chàng trai làng Đọi Tam đã chọn Ninh Bình làm quê hương thứ hai thật cảm động! Câu thành ngữ: "Đất lành chim đậu" cũng là cảm nhận chung của nhiều người khi chọn mảnh đất này làm nơi khởi nghiệp!
Mai Phương