Gia đình ông Lê Văn Hải ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình kinh doanh dịch vụ Internet từ nhiều năm nay. Những quy định về giờ đóng cửa, bảng giá… được ông in và dán ở khu vực dành cho khách. Ông Hải cho biết: Mặc dù lượng khách mấy năm gần đây giảm đáng kể, song không vì thế mà cửa hàng chúng tôi dùng mọi "chiêu, trò" để hút khách, ngược lại, chúng tôi vẫn chủ động và tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong việc phổ biến các quy định đến với khách hàng. ở cửa hàng tôi không mở cửa quá giờ quy định, tình hình trật tự ổn định, không có tình trạng gây lộn, đánh nhau giữa khách hàng…
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 320 điểm truy cập Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử qua mạng được cấp phép hoạt động, trong đó tính riêng trên địa bàn thành phố Ninh Bình có gần 80 điểm. Trung tá Lê Văn Quang, Công an phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Hiện nay, số lượng các điểm kinh doanh dịch vụ có chiều hướng giảm do internet đã phủ sóng tới đa số các hộ gia đình. Vì vậy, khách hàng chủ yếu tới các điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng qua mạng. Trước đây, trong các đợt đi kiểm tra cho thấy, mặc dù theo quy định của pháp luật, các điểm cung cấp dịch vụ này chỉ được hoạt động từ 8-22 giờ trong ngày. Nhưng qua kiểm tra, hầu hết các máy tính của điểm cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng đều kín chỗ mặc dù đã qua 22 giờ. Nhiều khách hàng vẫn say sưa với những trò chơi điện tử có tính bạo lực, trong số đó không ít khách hàng là học sinh. Qua quan sát, hầu hết các điểm kinh doanh đều không niêm yết danh sách các trò chơi G1, không niêm yết thời gian đóng cửa, mở cửa, không có quy chế, nội quy sử dụng dịch vụ; không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy…
Đặc biệt, hoạt động của máy chủ chỉ mang tính chất kiểm soát thời gian để thu tiền chứ không kiểm soát nội dung các trang web theo quy định pháp luật. Nhiều học sinh đắm chìm trong những trò chơi bạo lực, truy cập trang web có nội dung xấu đã tác động không nhỏ đến tâm sinh lý, đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay… Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các chủ đại lý để tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ internet, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, đồng thời yêu cầu các điểm kinh doanh phải niêm yết nội quy, giá dịch vụ và phải có bản cam kết đảm bảo an ninh trật tự … "Mưa dầm thấm lâu", đến nay ý thức của người kinh doanh dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt. Họ trở thành những "kênh" tuyên truyền hiệu quả những quy định đối với người chơi cho các khách hàng trẻ tuổi.
Cùng với nỗ lực của lực lượng công an, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai nhiều hoạt động để tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các điểm kinh doanh dịch vụ internet có cung cấp trò chơi điện tử. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Phòng Thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các lực lượng có liên quan khác đã tổ chức được 3 đợt kiểm tra đối với 252 đại lý internet có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và 2 cuộc kiểm tra đột xuất.
Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù ý thức của người kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều, song vẫn còn những đại lý vi phạm với những lỗi phổ biến như: mở cửa quá giờ, chưa có biển hiệu nội quy phòng máy theo đúng quy định; có điểm vẫn để khách truy cập vào trang web có nội dung xấu… đối với những điểm có hành vi vi phạm, đoàn kiểm tra vừa kết hợp tuyên truyền, vận động, phổ biến một cách dễ hiểu, dễ nhớ những quy định để kinh doanh hợp pháp, bên cạnh đó cũng cương quyết xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm nhiều lần. Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở thông tin và Truyền thông làm nòng cốt đã xử phạt hành chính 79 đại lý với số tiền 235 triệu đồng…
Nguyễn Hùng