Đến nay, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã thu hút được sự tham gia rộng rãi và thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp có được những kiến thức cần thiết trong quá trình xây dựng, tạo lập thương hiệu, hỗ trợ cho các doanh nhân các điều kiện pháp lý để đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mình. Nhờ đó, nhiều hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhân dịp này, Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Hồng, TUV, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề trên.
Phóng viên (PV):Thưa đồng chí, làm thế nào để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Thương hiệu là cái tên hay dấu hiệu giúp nhận biết một sản phẩm. Một thương hiệu thành công đánh dấu một sản phẩm là có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các thương hiệu Việt Nam đã và đang phải đương đầu với các thương hiệu nước ngoài trên mọi lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng phải có một cái nhìn chiến lược về xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước.
Để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu một cách bền vững, điểm mấu chốt chính là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) và phát triển mạng lưới bán hàng, đưa thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm đến với quảng đại người tiêu dùng. Là tài sản doanh nghiệp, thương hiệu cần được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và hình ảnh của thương hiệu không ngừng được nâng cao.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đi vào chiều sâu: Tạo dựng được sự đặc biệt và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.Quảng cáo thật khôn khéo, duy trì và không ngừng nâng cao mức độ tiến đến thương hiệu, chất lượng được thừa nhận của thương hiệu và công dụng của nó.Xây dựng và giữ gìn mối quan hệ mật thiết với khách hàng, tạo sự gắn bó về tình cảm giữa thương hiệu với người tiêu dùng.Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.Không ngừng đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.Bảo đảm chất lượng dịch vụ thương mại và hậu mãi dành cho người tiêu dùng.
P.V: Xin đồng chí cho biết những nội dung chính của Chương trình Thương hiệu Quốc gia?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Chương trình thương hiệu Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai.Chươngtrình gồm hai nội dung chính là: Giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu; Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam tham gia chương trình. Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng các chương trình hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, hướng tới ba giá trị cốt lõi "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo" và quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước và thế giới.Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấyngày 20 tháng 4 hàng năm là "Ngày Thương hiệu Việt Nam"nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
PV: Với chức năng của mình, ngành Công thương Ninh Bình đã có những hoạt động thiết thực gì để giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Xây dựng thương hiệu hàng hóa là rất cần thiết để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ kinh tế suy thoái, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời phù hợp với cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Với chức năng của mình, những năm qua ngành Công thương đã và đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp hiểu tác dụng của việc xây dựng thương hiệu và bắt tay vào xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước sử dụng hiệu quả Quỹ khuyến công, xúc tiến thương mại giúp các thành phần kinh tế mở rộng nhà xưởng sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tham gia hội chợ, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công đã tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước; đồng thời thông qua việc tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp.... giúp cho doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, trong đó có ngành Công thương, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu của doanh nghiệp mình, tạo được uy tín cao đối với các khách hàng trong và ngoài nước như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty The Vissai, Công ty cổ phần may xuất khẩu Ninh Bình, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, DNTN Hồng Nhung, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH MTV Cường Thịnh, Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Thùy Anh…; nhiều làng nghề truyền thống đã được tỉnh công nhận, đã tạo được sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước như: Làng nghề gỗ Phúc Lộc, Làng nghề thêu Ninh Hải, Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề chế biến cói, bèo bồng của huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô… Một số sản phẩm như: Gạo Hương Bình, ngao Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.
P.V: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ của ngành Công thương trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Quốc gia?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Xây dựng thương hiệu hàng hóa là xây dựng hình ảnh của chính doanh nghiệp mình, đòi hỏi phải bài bản, mất nhiều công sức, đồng thời phải có chiến lược cụ thể. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, chưa có đầy đủ các điều kiện để xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ, vì vậy chưa tạo được uy tín với người tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu.
Trong thời gian tới ngành Công thương tiếp tục bám sát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, sự chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về việc xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống, sản phẩm tỉnh có lợi thế như: nghề chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, sản xuất rượu thủ công; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ, mở rộng nhà xưởng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hàng giả, sở hữu công nghiệp…, góp phần bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)