PV: Ninh Bình được xem là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử, xin ông có thể khái quát cho độc giả biết về hệ thống các DSVH vật thể, phi vật thể mà chúng ta đang sở hữu? Ông Nguyễn Cao Tấn: Vùng đất Ninh Bình là phần kéo dài và phân tán về phía đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía tây bắc của tổ quốc, hay trong không gian rộng hơn nó là những phần chân của dãy Hymalaya vươn ra biển Thái Bình Dương. Vùng đất này cũng là điểm giao thoa về văn hóa, điểm hội tụ và lan tỏa của các tôn giáo lớn, là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam á. Hàng loạt những di sản địa chất; di tích khảo cổ học; di tích lịch sử với những niên đại sớm muộn khác nhau cùng với đó là số lượng lớn các DSVH phi vật thể đã chứng minh cho nhận định trên.
Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, được mệnh danh là vùng đất sơn thanh thủy tú. Đó là những lý do để Ninh Bình ôm ấp trong mình một số lượng DSVH và thiên nhiên khá lớn, trong đó có nhiều di sản có giá trị nổi bật ở tầm quốc gia và quốc tế.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay Ninh Bình có 1.567 di tích, trong đó có 360 di tích đã được xếp hạng, gồm 279 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Ninh Bình có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động, 1 DSVH và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; 3 Bảo vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm: Cột kinh chùa Nhất trụ, Long sàng trước Bái đường và Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.
Bên cạnh đó là hàng ngàn hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các bộ sưu tập cá nhân trên địa bàn. Về DSVH phi vật thể, chúng ta có 312 DSVH phi vật thể được kiểm kê, bao gồm nhiều loại hình như nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, trong đó lễ hội Hoa Lư đã được ghi vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Các DSVH trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa, là nền tảng, là nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Ninh Bình, là tài nguyên vô giá để đẩy mạnh phát triển bền vững các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
PV: Những năm gần đây, công tác quản lý di sản được thực hiện đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Công tác quản lý DSVH những năm gần đây đã kế thừa những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế về công tác quản lý ở những năm trước đây, đồng thời tiếp cận những cách thức quản lý mới khoa học, có tính hội nhập quốc tế nên việc quản lý di sản dần đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn, tham mưu để Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tạo cơ sở để các cấp, các ngành cùng toàn thể cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật DSVH và các văn bản quy phạm pháp luật về DSVH. Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho trưởng ban Quản lý di tích, lãnh đạo, cán bộ văn hóa xã, cán bộ phòng văn hóa thông tin các huyện, thành phố, những người trực tiếp trông coi di tích.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền pháp luật về di sản trên các phương tiện truyền thông, trong các buổi sinh hoạt chuyên đề ở cơ sở, thông qua các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế để tiếp cận cách thức, kinh nghiệm quản lý, nhận diện giá trị của di sản.
Có thể nói, các hoạt động tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản, từ đó khơi dậy ý thức tự nguyện, tự giác chung tay bảo vệ di sản. Từ đó ngoài nguồn lực của nhà nước đã thu hút được nhiều nguồn lực từ việc xã hội hóa cho việc bảo tồn di sản.
Việc quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn những năm gần đây cũng dần đi vào nề nếp. Bên cạnh sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, nguồn vốn trong nhân dân tham gia đóng góp để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng nhiều, đòi hỏi cơ quan quản lý phải nỗ lực nhiều hơn để cùng với nhân dân thực hiện tu bổ đảm bảo vừa giữ được các yếu tố gốc vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó các hoạt động thanh tra kiểm tra được duy trì thường xuyên đã hạn chế đáng kể các vi phạm về quản lý di sản trên địa bàn.
Trên cơ sở tham mưu đưa ra các chính sách quản lý di sản, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách liên quan tới di sản cùng với việc thanh tra kiểm tra công tác quản lý, đồng thời với việc nghiên cứu, nhận diện kiểm kê di sản trong những năm qua cơ bản di sản trên địa bàn tỉnh được bảo tồn tốt, bước đầu phát huy được giá trị.
PV: Công tác quản lý di sản vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm, theo ông ở Ninh Bình hoạt động này phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì không?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nhu cầu đầu tư phát triển liên quan tới di sản ngày càng nhiều, nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ngày càng cao. Bên cạnh đó tình trạng biến đổi khí hậu cùng với những thiên tai khó lường đã tạo nên những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý di sản, trước hết là công tác quản lý di tích, DSVH tín ngưỡng, lễ hội và đặc biệt những di sản có diện tích lớn nằm trên nhiều địa bàn có nhiều hoạt động dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Thách thức đến từ vấn đề nhận thức chưa đầy đủ về DSVH, ở đây có phần nhận thức của một số nhà quản lý ở địa phương; một số doanh nghiệp và số ít người dân chưa biết và hiểu hết về giá trị di sản văn hóa, tham gia vào việc trùng tu phục hồi di sản chưa đúng quy trình khoa học, còn phát triển kinh tế khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ du lịch một cách nóng vội thiếu tính bền vững, làm ảnh hưởng tới cảnh quan, tính chân xác, giá trị của di sản.
Thách thức này đòi hỏi cần phải làm cho toàn thể người dân, doanh nghiệp và những nhà quản lý hiểu được di sản không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn là cho nhiều thế hệ trong tương lai. Bảo tồn và khai thác di sản một cách khoa học, bền vững, hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp cũng như lợi ích của toàn xã hội là những bài toán khó, đòi hỏi những nhà quản lý làm công tác liên quan tới quản lý di sản cần có bản lĩnh, công tâm, kinh nghiệm, chuyên môn, và khoa học trong việc đưa ra các chính sách quản lý.
Bên cạnh những thách thức về nhân lực đó là thách thức về tài lực, cần phải có một nguồn lực đủ tầm, ổn định cho việc đào tạo nhân lực, áp dụng, sử dụng các công cụ hiện đại trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Cụ thể, đối với các di tích lịch sử văn hóa, đây là các công trình tín ngưỡng tâm linh vừa có ý nghĩa là điểm du lịch tâm linh vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội phát triển như hiện nay, nhu cầu tôn tạo, mở rộng không gian thờ tự tại các di tích là rất lớn, sự tham gia đóng góp của nhân dân đối với hoạt động tu bổ cũng lớn.
Đây vừa là thuận lợi vừa là thách thức với công tác quản lý do ở một số nơi nhân dân huy động được vốn là tự ý xây dựng, vi phạm các quy định của pháp luật về tu bổ di tích, dẫn đến làm mất yếu tố gốc, không gian cảnh quan di tích bị phá vỡ hoặc thu hẹp.
Đối với hàng ngàn hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các bộ sưu tập cá nhân trên địa bàn cần có những phương tiện bảo quản và trưng bầy hiện đại hơn.
Đối với di sản phi vật thể, chịu tác động mạnh mẽ bởi đời sống kinh tế, xã hội, các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, xu hướng bị pha tạp gia tăng, nghệ nhân dân gian giữ bí quyết và truyền dạy không còn nhiều, chưa được tạo điều kiện đúng mức để phát huy.
PV: Cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Vậy Ninh Bình đã có những giải pháp gì để khơi dậy nguồn lực này?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn di sản. Để còn có được số lượng di sản lớn, đa dạng và phong phú, có giá trị cao như ngày hôm nay hầu hết đều là nhờ vào cộng đồng, cộng đồng chính là chủ thể của di sản văn hóa. Nhận thức được vấn đề trên, Ninh Bình đã có nhiều biện pháp để khơi dậy nguồn lực này.
Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền tới cộng đồng về DSVH, để họ nhận thức được mình chính là chủ thể của DSVH, có quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH từ đó tự nguyện, tự giác trong việc bảo vệ DSVH. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính", huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ di sản; xã hội hóa việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo di sản, huy động nhân dân cộng đồng địa phương đóng góp nguồn nhân lực, vật lực cùng chung tay bảo vệ di sản.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)