Phóng viên (PV): Xin ông cho biết thực trạng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
Ông Hà Quốc Thịnh: Ninh Bình hiện có khoảng 46.500 con trâu, bò; 398.700 con lợn, khoảng 3 triệu con gia cầm. Trong năm qua thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với việc các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tiêm phòng vắc xin định kỳ, thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc, kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, giám sát dịch bệnh… do vậy tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, trong năm không có ổ dịch lớn, nguy hiểm nào xảy ra, là điều kiện thuận lợi để đàn gia súc, gia cầm phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết mùa đông, xuân khắc nghiệt, mưa ẩm cộng với diện tích đồng cỏ sẽ bị thu hẹp, nguồn thức ăn cho trâu, bò gặp nhiều khó khăn; sức đề kháng của vật nuôi giảm sút là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh.
Đặc biệt, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đa phần còn chủ quan, chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng chống dịch bệnh. Khi đàn vật nuôi bị bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời, các loại vi rút phát tán và lây lan nhanh, hậu quả rất khó lường.
PV: Trước những nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai những biện pháp gì và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm như thế nào?
Ông Hà Quốc Thịnh: Xác định được những nguy cơ tiềm ẩn đó, ngay từ đầu năm, Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/QĐ- UBND tỉnh ngày 9/01/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản năm 2017.
Trong đó, các địa phương đã triển khai tiêm phòng vụ Thu đông với kết quả tốt, nhất là các vắc xin trên đàn lợn và đàn gia cầm. Toàn tỉnh đã tiêm được gần 21.500 liều vắc xin lở mồm long móng, 2.700 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; gần 129.700 liều vắc xin dịch tả, 9.780 liều vắc xin phó thương hàn, tụ dấu cho đàn lợn; gần 2,5 triệu liều vắc xin cúm H5N1 cho đàn gia cầm.
Bên cạnh làm tốt công tác tiêm phòng, Chi cục còn tham mưu để UBND tỉnh ban hành văn bản số 378/UBND-VP3 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2017.
10 nghìn lít hóa chất được hỗ trợ từ Trung ương cùng nguồn hóa chất chủ động của tỉnh đã được các địa phương sử dụng để phun khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi gia đình, các chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm…
Dịp cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm diễn ra nhộn nhịp, để chủ động phòng chống dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh, Chi cục cũng đang cho các đội lưu động thường xuyên đi kiểm tra các xe vận chuyển gia súc, gia cầm trên đường, các tụ điểm buôn bán, chợ dân sinh, lò mổ… yêu cầu phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc và tất cả các gia súc, gia cầm khi vận chuyển phải có giấy kiểm dịch, rõ nguồn gốc. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển động vật và sản phẩm trái phép ra vào địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Chi cục còn tổ chức lấy mẫu để giám sát mức độ bảo hộ sau tiêm phòng và giám sát sự lưu hành của một số loại vi rút gây bệnh nguy hiểm trên đàn lợn và đàn gia cầm. Kết quả, mức độ bảo hộ sau tiêm phòng đều đạt trên 80% và không phát hiện các loại vi rút gây bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ khuyến nông xã, thú y xã, các hộ chăn nuôi… về công tác thú y từ đó nâng cao năng lực phát hiện và phòng chống dịch bệnh cho mạng lưới này.
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi trong thời điểm này?
Ông Hà Quốc Thịnh: Cuối năm là lúc đàn gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi chuẩn bị được xuất bán. Để đảm bảo thành quả lao động của gia đình, hơn bao giờ hết bà con phải rất chú ý đến vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh nguy hiểm, hộ chăn nuôi cần định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi.
Trong những ngày rét, nên tăng dinh dưỡng cho đàn vật nuôi bằng cách thêm vào khẩu phần từ 10- 20% lượng thức ăn thông thường, cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung một số chất khoáng, men vi sinh, khoáng chất, vitamin C, B1… vừa giúp vật nuôi ăn tốt, hấp thụ thức ăn tốt hơn, lại vừa tăng sức đề kháng.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi, khi phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh phải báo cho cán bộ Thú y, không nên tự ý mua thuốc về tự điều trị tránh lạm dụng kháng sinh, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm; không được bán chạy, giết mổ gia súc ốm, gia súc chết; không được vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường. Khi người nuôi tái đàn cần tìm mua con giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và phải khai báo với chính quyền địa phương.
Riêng đối với những cá nhân, cơ sở giết mổ, cuối năm là dịp số đầu gia súc, gia cầm giết mổ lớn nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi trước khi giết mổ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (Thực hiện)