Chủ động, quyết liệt ứng phó với bão số 3, bảo vệ sản xuất tại các khu công nghiệp
Thứ Tư, 23/07/2025, 16:30
Zalo
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3 (WIPHA), Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo vệ an toàn tính mạng người lao động, tài sản của doanh nghiệp và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp (KCN).
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm Cống Cái phục vụ tiêu úng cho KCN Khánh Phú.
Ngay từ khi có thông tin về bão WIPHA, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt tinh thần chủ động ứng phó theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại các công điện và các văn bản từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Các cuộc họp khẩn, phân công nhiệm vụ cụ thể đã được triển khai đến từng phòng, ban trực thuộc và các chủ đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp trong các KCN.
Khơi thông dòng chảy phục vụ công tác tiêu úng cho KCN Gián Khẩu.
Trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ”, Ban Quản lý yêu cầu các doanh nghiệp bố trí lực lượng trực 24/24h, xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể theo từng tình huống. Việc kê cao máy móc, tài sản có giá trị, dự trữ lương thực, nước sạch, thuốc men, bao cát, thiết bị bơm nước... đều được các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện.
Tại các điểm có nguy cơ ngập lụt cao như KCN Gián Khẩu, Khánh Phú, Châu Sơn, công tác chuẩn bị được đặc biệt quan tâm. Lực lượng ứng trực được tăng cường cả về nhân lực và phương tiện. Hệ thống tiêu thoát nước nội khu được tổng kiểm tra, nạo vét, khơi thông các đường ống, cống rãnh và các cửa thu thoát. Đồng thời, các chủ đầu tư tích cực phối hợp với công ty khai thác công trình thủy lợi để tiêu úng nước đệm bên ngoài khu công nghiệp, sẵn sàng cho tình huống mưa lớn kéo dài.
Cùng với công tác chuẩn bị, việc triển khai ứng phó với bão số 3 tại các KCN được Ban Quản lý thực hiện bài bản, bám sát thực tiễn. Các tổ công tác của Ban được thành lập, phân công cụ thể xuống từng KCN để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ xử lý các tình huống phát sinh.
Các doanh nghiệp đồng loạt tháo dỡ biển quảng cáo, cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà xưởng và các công trình đang thi công nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn. Hệ thống điện, viễn thông, giao thông nội khu được rà soát, bảo đảm vận hành thông suốt.
Trạm bơm Cung Sỏi tiến hành bơm nước đệm để chống úng cho KCN Gián Khẩu.
Ban Quản lý cũng yêu cầu từng doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch làm việc nhằm tránh rủi ro cho người lao động. Đồng thời, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, đảm bảo tính chủ động và kỷ luật.
Điểm nổi bật trong đợt ứng phó lần này là tinh thần chủ động cao từ cấp quản lý đến từng doanh nghiệp. Không chỉ triển khai quyết liệt, Ban Quản lý còn duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, thiết lập các đầu mối báo cáo tình hình về Văn phòng Ban, kịp thời tổng hợp thông tin và chỉ đạo xử lý.
Bà Vũ Thị Dược, Bí thư Đảng ủy xã Gia Trấn khẳng định: “Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các KCN là chặt chẽ, nhịp nhàng. Các biện pháp phòng, chống bão đã được triển khai sát thực tế và có hiệu quả rõ rệt”.
Đặc biệt, các đơn vị trong KCN cũng được quán triệt tăng cường công tác phòng ngừa sự cố môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm tập thể, những nguy cơ thường xuất hiện sau mưa lũ kéo dài.
Không dừng lại ở việc ứng phó hiệu quả trong bão, Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp ngay sau khi thời tiết ổn định, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sau bão nhằm sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý người lao động.
Cụ thể, các doanh nghiệp trong các KCN được yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá thiệt hại nếu có về hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, sản phẩm tồn kho; lập báo cáo gửi về Ban Quản lý để tổng hợp và đề xuất phương án hỗ trợ, xử lý phù hợp. Các chủ đầu tư hạ tầng KCN phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm và ngành chức năng để kiểm tra, xác định những khu vực nguy cơ tái ngập, ảnh hưởng từ hoàn lưu bão, mưa to kéo dài, từ đó kịp thời có biện pháp xử lý, gia cố.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng công tác tiêu độc, khử trùng môi trường, thu gom rác thải, bùn đất và khơi thông hệ thống thoát nước được triển khai khẩn trương nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau bão. Các khu vực nhà ăn, ký túc xá công nhân, kho nguyên liệu được khuyến cáo phải kiểm tra chặt chẽ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi hoạt động trở lại.
Ban Quản lý cũng lưu ý các doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra hệ thống điện, máy móc và quy trình vận hành để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi tái khởi động sản xuất. Về lâu dài, Ban Quản lý yêu cầu các doanh nghiệp rút kinh nghiệm, cập nhật và hoàn thiện kịch bản ứng phó thiên tai sát thực tế hơn; đầu tư nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, nhà xưởng, kho tàng để tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.