"Một thời vang bóng"
Với nhiều người sinh ra vào những năm 70 của thế kỷ trước, hoạt động chiếu phim lưu động đã gắn liền với ký ức tuổi thơ. Thỉnh thoảng, mà có khi cả năm mới diễn ra một vài lần, cả làng, cả xóm bỗng náo nhiệt hẳn lên bởi sự có mặt của đội chiếu bóng lưu động. Cả khoảng sân của khu tập thể hoặc sân đình, bãi bóng… được trưng dụng làm bãi chiếu phim với màn hình bằng phông to đùng, kèm theo là đống máy móc chạy ro ro. Mọi người, mọi nhà nhanh chóng thu xếp công việc, giục giã bọn trẻ ăn cơm sớm, thu xếp việc nhà, cầm theo ghế để náo nức ra xí chỗ xem phim. Đám trẻ con háo hức vì phải rất lâu mới được tham dự một sự kiện văn hóa ý nghĩa và sôi nổi như vậy. Còn người lớn thì thấp thỏm, chờ đợi các bộ phim: Chung một dòng sông, Đến hẹn lại lên, Bài ca ra trận… Đây là thời kỳ điện ảnh thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu được của quần chúng nhân dân. Suốt giai đoạn 1955- 1964 mọi hoạt động chiếu phim đều tập trung phục vụ cho 2 nhiệm vụ chiến lược cơ bản: xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong những năm tháng đó, chiếu bóng được coi là lực lượng xung kích đem ánh sáng văn hóa đến với nhân dân lao động ở khắp mọi vùng, miền trong tỉnh. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các buổi chiếu phim diễn ra bên hào giao thông, tại trận địa pháo, cạnh vách núi, trong hang động, nhà hầm… Dù thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, gian khổ và thiếu thốn nhưng những người làm công tác chiếu bóng đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện về máy móc, thiết bị, các tư liệu, tài liệu… với mong muốn những thước phim được chiếu lên thực sự là món ăn tinh thần để khích lệ niềm tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm sản xuất, chiến đấu của quân và dân trong tỉnh…Nhìn lại quá trình tham gia phục vụ 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đội ngũ những người làm công tác điện ảnh tỉnh nhà luôn tự hào vì đã góp phần vào chiến thắng vang dội của cả dân tộc, thực sự là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.
Từng bước đổi mới hoạt động chiếu phim
Từ khi xuất hiện loại hình giải trí mới là video, hoạt động chiếu bóng đã dần bị thu hẹp lượng khán giả. Đến thời kỳ bùng nổ của các loại hình giải trí như: băng, đĩa, đầu thu HD, internet…cũng như nhiều tỉnh, thành, chiếu bóng Ninh Bình dần mất khách. Điều này thể hiện rõ nhất ở khu vực thành phố khi rạp chiếu phim của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng khá thưa thớt khán giả vào mỗi buổi chiếu. Trước thực trạng khó khăn này, để tồn tại, hoạt động chiếu phim đã được Trung tâm xác định phải đổi mới, đầu tư công nghệ, phương tiện máy móc mới để phục vụ nhu cầu khán giả. Trung tâm đã được sự quan tâm của tỉnh trong việc đầu tư kinh phí mua máy chiếu phim công nghệ phim HD lắp đặt tại Rạp chiếu phim, sửa chữa, nâng cấp 200 ghế ngồi…Đặc biệt, năm 2014 phim nhựa phải tạm dừng vì nguồn phim khan hiếm, giá thuê phim cao, các hãng phim chuyển sang sản xuất phim kỹ thuật số. Ban lãnh đạo Trung tâm đã tích cực tìm cách khắc phục tình trạng khan hiếm phim bằng các giải pháp chuyển đổi chiếu phim nhựa sang công nghệ chiếu phim kỹ thuật số 2D, 3D, mở rộng liên doanh với các Hãng phim để khai thác nguồn phim kỹ thuật số... Từ việc chuyển sang chiếu phim kỹ thuật số, năm 2014 Trung tâm đã khai thác được nhiều thể loại phim có nội dung tốt, chất lượng kỹ thuật hình ảnh, âm thanh đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của nhân dân. Trung tâm đã tổ chức từ 1 - 3 phòng chiếu phim HD tại Rạp, 1 phòng giới thiệu công nghệ phim 3D tại Trụ sở Trung tâm, thu hút được khán giả hâm mộ đến với Rạp, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Cùng với hoạt động chiếu tại Rạp, hoạt động chiếu phim lưu động được Trung tâm xác định là thế mạnh, phù hợp với đối tượng khán giả ở các vùng nông thôn, miền núi, các địa phương xa trung tâm tỉnh. Để hoạt động chiếu phim lưu động đi vào nền nếp, Trung tâm được trang bị thêm 1 xe ô tô phục vụ công tác chiếu phim lưu động, đầu tư trang bị 3 bộ máy chiếu HD cho đội chiếu phim lưu động. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã mạnh dạn nghiên cứu, tự thiết kế và lắp đặt thiết bị chiếu phim riêng, có tác dụng tổ chức chiếu được ở nhiều điểm cùng một lúc với nhiều bộ phim khác nhau mà không phải sử dụng nhiều phương tiện, máy móc cồng kềnh như trước. Với 3 đội chiếu phim lưu động, hoạt động chiếu phim được quan tâm đẩy mạnh nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm đã bám sát địa bàn, đưa nhiều bộ phim hay về các thôn, xóm, bản làng. Đến nay, tất cả các xã trong tỉnh bình quân hàng năm được xem từ 2-3 buổi chiếu phim. Trung tâm đã thực hiện xóa các điểm trắng về công tác chiếu phim. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức khai thác và chiếu các bộ phim có tính giáo dục cao nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên các trường THCS, THPT, Trung học chuyên nghiệp trong toàn tỉnh. Đặc biệt, hoạt động chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị được đẩy mạnh, tổ chức các đợt chiếu lưu động nhân các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị của tỉnh. Kết quả hoạt động chiếu phim tại Rạp và phòng chiếu 3D năm 2014 được 720 buổi, chiếu tại các nhà trường được 84 buổi, chiếu lưu động được 507 buổi. So với năm 2013, số buổi chiếu phim tăng thêm 37 buổi, đạt tỷ lệ 102%, thu hút 196.000 lượt người xem, đạt 11%...
Lý Nhân