Ước mơ của những học trò nghèo Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp nghỉ hè thì cô học trò nghèo Nguyễn Thị Hoa Phượng ở xóm Đanh, xã Yên Thành, huyện Yên Mô lại thêm phấn chấn. Rất đơn giản, đó là khoảnh khắc mà em nhìn lại thành quả của một năm học đã qua. Tờ giấy khen- phần thưởng cho danh hiệu học sinh giỏi được treo trang trọng trong ngôi nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá. Những tờ giấy khen từ năm lớp 1, lớp 2 rồi đến lớp 9 của Phượng là nguồn động viên lớn đối với gia đình, với Phượng để mỗi khi có khó khăn, em lại nhìn vào đó mà phấn đấu. "Đã bao lần vì hoàn cảnh mà việc học của em đứng trước nguy cơ bị dở dang, nhưng thật may mắn và hạnh phúc biết nhường nào khi những lúc khó khăn ấy, em và gia đình luôn nhận được sự đồng hành, động viên của bè bạn, thầy cô và đặc biệt là sự hỗ trợ thiết thực của Quỹ Bảo trợ Việt Nam tỉnh. Được tạo điều kiện tới trường, em tự nhủ phải phấn đấu học giỏi hơn nữa để không phụ những tấm lòng thơm thảo ấy"- Nguyễn Thị Hoa Phượng xúc động nói.
Năm nay, Hoa Phượng đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Kỳ thi đang cận kề, cùng với việc tích cực ôn luyện, Phượng vẫn dành nhiều thời gian để giúp mẹ thu hoạch lúa. Phượng bảo, gia đình em nghèo lắm. Em là con thứ 5 trong gia đình có 6 chị em. Bố em mất sớm, mẹ em đau yếu quanh năm. Hai chị cả đã có gia đình riêng, bởi vậy mọi việc trong nhà Phượng đều có trách nhiệm gánh vác. Mặc dù phải phụ giúp gia đình nhiều việc, song Phượng vẫn dành thời gian thích hợp để tập trung học bài. Phần nhiều, Phượng học vào ban đêm, khi đã giúp mẹ xong xuôi mọi việc. Trong các môn học, Phượng yêu thích nhất là môn Toán học. Và một ước mơ xa hơn, Phượng muốn trở thành một bác sỹ giỏi. "Còn quá nhiều khó khăn khi thực hiện được ước mơ đó. Song, em tin rằng với những tình cảm, sự động viên của người thân, bè bạn và các nhà hảo tâm, em sẽ thực hiện được ước mơ đó"- Hoa Phượng nói.
Còn với cô bé Lưu Thị Vân Dung ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn thì mùa hè này cũng rất đặc biệt. Em vừa cùng với 5 bạn học sinh xuất sắc khác trong tỉnh được vinh dự lên Hà Nội viếng Lăng Bác, báo công với Bác Hồ và được Chủ tịch nước gặp mặt. Niềm vinh dự, hạnh phúc ấy đến với em thật bất ngờ nhưng hoàn toàn xứng đáng cho nghị lực vượt khó vươn lên của em. Vân Dung năm nay lên lớp 7. 6 năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Vân Dung là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Bố mất sớm vì cơn bạo bệnh, gánh nặng cuộc sống đặt lên đôi vai gầy của mẹ. Thương mẹ lắm, nhưng tuổi còn nhỏ, sức yếu, Vân Dung giúp mẹ chăm sóc hai em, chăm lo việc nhà, chăm sóc con lợn cho béo, ngoài ra còn phụ giúp mẹ đan lát để dành thời gian cho mẹ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy vẫn rộn vang tiếng cười mỗi tối. Niềm vui của người mẹ nghèo chính là điểm 10 của cô con gái đảm đang, học giỏi.
Vân Dung chia sẻ, chuyến đi báo công với Bác và được gặp Chủ tịch nước đối với em là một kỷ niệm không bao giờ quên. Những lời động viên ân cần, những lời dặn dò, nhắn nhủ của bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đặc biệt, trong chuyến đi này, em được gặp nhiều bạn ở các tỉnh khác, có bạn còn khó khăn hơn em nhiều song vẫn đạt thành tích xuất sắc trong học tập… Những lời dạy của Chủ tịch nước, những tấm gương, những nghị lực của bè bạn sẽ là nguồn động viên lớn cho chúng em vươn lên.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, còn nhiều lắm những tấm gương như em Phượng, em Dung. Hiện nay, toàn tỉnh có 6.682 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 50/398 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, số trẻ em còn lại được người thân, người đỡ đầu nhận nuôi dưỡng tại cộng đồng; 2.930 trẻ em bị khuyết tật, tàn tật; 76 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; 88 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được cơ quan chức năng theo dõi, cấp phát thuốc điều trị bệnh định kỳ... Điều đáng nói là mặc dù sinh ra trong gia đình đặc biệt khó khăn, song các em lại là những tấm gương, câu chuyện xúc động về nghị lực, tinh thần vươn lên trong học tập và cuộc sống.
...Và cuộc hành trình không đơn độc
Những năm qua, các cấp, các ngành và cả cộng đồng đã quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được phát triển toàn diện, con đường đến trường của học sinh nghèo thêm rộng mở. Xuyên suốt trong hoạt động ấy là sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Tính riêng trong năm 2015, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng "Cùng em đến trường" cho 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Bảo Việt Nhân thọ tổ chức lễ trao tặng xe đạp cho 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vươn lên vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA tặng 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Ninh Bình và trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh; tặng 25 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn các huyện, thành phố.
Cũng trong năm 2015, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức tiếp nhận 2.700 hộp sữa cho 30 trẻ em được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh do Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Trao tặng 6 suất học bổng cho 6 trẻ em được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đạt thành tích học tập khá, giỏi trong năm học 2014-2015, mỗi suất trị giá 500.000 đồng; tổ chức tiếp nhận 6 máy giặt do Công ty Panasonic Việt Nam tài trợ cho Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh, Trường Mầm non xã Gia Thủy, huyện Nho Quan và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Điển hình như Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức lễ trao học bổng Trương Hán Siêu và học bổng "Shinnyo vì học sinh vượt khó, hiếu học" cho 140 học sinh, sinh viên có thành tích trong kỳ thi vào THPT và đại học, học sinh nghèo, con các gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và tu dưỡng đạo đức năm học 2014-2015, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức tặng quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện Nho Quan, Gia Viễn và Kim Sơn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện triển khai điểm mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đã tham mưu với UBND huyện ra quyết định hỗ trợ kinh phí mua sách vở, quần áo đồng phục tạo điều kiện để trẻ em thuộc đối tượng tham gia mô hình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục tới lớp, tới trường.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật tiếp tục được quan tâm. Các địa phương trong tỉnh rà soát, lập danh sách trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi - hở vòm họng có nhu cầu phẫu thuật đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Tổ chức SAP - VN hỗ trợ kinh phí phẫu thuật. Trong năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, hội chẩn và tư vấn bệnh lý tim mạch cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh cho 157 em, trong đó chỉ định phẫu thuật cho 22 em. Đã có 12 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phẫu thuật với kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và ngân sách địa phương hỗ trợ.
Đào Hằng