Son sắt mối tình thủy chung
Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, song mỗi lần nhắc đến người chồng Trần Văn Đức, bà Nguyễn Thị Hiền vẫn rưng rưng xúc động. Bà Hiền bảo, để được trọn đời bên nhau, ông bà trải qua những tháng năm đợi chờ, khắc khoải. Tình yêu ấy đã trải dài theo thời gian, vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh để giờ đây đã đơm hoa, kết trái bằng một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt.
Bà Hiền hoài niệm, thời ấy, tuy là khác thôn, xong nhà ông bà có chung một dòng sông Hoàng Long xinh đẹp và cùng giống nhau ở một điểm đó là rất nghèo. Bà Hiền học cùng lớp với em gái ông Đức. Bà Hiền học giỏi có tiếng ở trường làng. Lên lớp 4, vì nhà nghèo quá mà bà phải nghỉ học ở nhà trông 5 người em, phụ thêm với cha mẹ mò cua, bắt ốc.
Nghỉ được vài ngày, bà Hiền nhớ trường, nhớ lớp đến phát khóc. Bà tha thiết xin bố mẹ cho trở lại trường, ngoài thời gian tới lớp bà càng thêm chăm chỉ phụ giúp mẹ cha. Cái nghị lực mạnh mẹ ấy của cô thôn nữ bé nhỏ đã làm ông Đức thực sự rung động. Năm 1960, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Đức hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông bước vào trận địa đầy khói lửa, giấu chặt trong tim hình ảnh của cô gái tên Hiền.
Ông Đức tâm sự, 5 năm trôi qua kể từ khi nhập ngũ. Bà Hiền cũng đã trở thành cô giáo tiểu học xinh đẹp, giỏi giang. Trong một lần về phép, tôi đã đến thăm và ngỏ lời yêu thương với bà Hiền. Sáng hôm sau, tôi cùng với mẹ cha mang trầu cau sang dạm ngõ. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của hai bên gia đình, tôi hạnh phúc trở lại chiến trường, chẳng ngờ rằng cuộc chia tay ấy giữa chúng tôi kéo dài đằng đẵng cả chục năm trời. Bao nhớ thương, chúng tôi chỉ biết trao gửi vào những trang thư. Song thời bom rơi, đạn lạc, thư gửi đi, gửi về thì nhiều lắm. Nhưng thực tế thì chúng tôi nhận được chẳng đáng là bao.
Có những trang thư nhòe nước mắt vì nhớ thương…, những tình cảm ấy, khó khăn ấy, thử thách ấy càng làm cho tôi thêm mạnh mẽ, trở thành động lực để tôi xông pha nơi chiến trường. Hiền dạy học ở xã bên cạnh, phải hết tuần mới về. Do vậy, cô cũng phải làm hết mọi việc, mọi nghĩa vụ của một người ở trọ. Sau này mẹ tôi kể lại rằng, cứ mỗi thứ 7, chủ nhật, trên đường về thăm nhà cô lại ghé thăm, động viên mẹ tôi. Rồi lại đọc đi, đọc lại cho mẹ tôi nghe lá thư tôi gửi từ lâu rồi. Mẹ tôi kể rằng, bà thương Hiền lắm. ở cái tuổi của Hiền, bạn bè đã con bồng, con bế, trong khi Hiền vẫn lẻ bóng đi về. Bao nhiêu đám đến dạm hỏi Hiền, song cô đều từ chối để một lòng sắt son chung thủy với lời hẹn ước cùng với tôi, mặc dù chẳng biết tôi sống-chết thế nào.
Năm 1970, ông Đức được về phép sau tròn 10 năm hai gia đình có lễ dạm ngõ. Ông Đức, bà Hiền được gia đình tổ chức lễ cưới. Sau lễ cưới giản dị, ấm cúng ấy, ông Đức trở lại chiến trường. Vợ chồng trẻ lại chia tay nhau trong ngậm ngùi, thương nhớ . "Song, lần này cả hai chúng tôi đều thấy vững tâm hơn bởi cái nghĩa vụ với nhau đã hình thành cụ thể. Hiền đã về ở hẳn với gia đình tôi. Hàng ngày, ngoài giờ tới lớp, Hiền dành thời gian chăm sóc mẹ chồng và lo cho hai em còn đi học. Chưa bận chuyện con cái nên Hiền tập trung học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ"- ông Đức xúc động.
Người lương y giàu lòng nhân ái
Năm 1990, khi Tổng cục hàng không giải thể, đơn vị căn cứ vào nguyện vọng để chuyển công tác cho anh em. Riêng ông Đức, khi đó đã là Phó giám đốc quản lý sân bay Nội Bài thì tình nguyện xin về hưu sớm. Khi ấy, ông Đức mới 47 tuổi, mang quân hàm Trung tá. Ông nói rằng, cả cuộc đời vợ ông vất vả, đã phải gánh trên vai cả trách nhiệm của người mẹ, người cha. Bởi thế, mà ông Đức muốn nghỉ hưu để bù đắp, đỡ đần vợ chăm sóc và nuôi dạy 3 cô con gái nên người.
"Nói là vậy, song ở cái tuổi 47 mà đã nghĩ chuyện nghỉ ngơi thì uổng phí quá. Tôi muốn làm điều gì đó thật thiết thực, ý nghĩa cho người thân, bà con chòm xóm. Và, tôi quyết định đi học về nghề thuốc Đông y" - ông Đức nói như vậy. Trước đây, khi còn ở chiến trường, trong những khu rừng đại ngàn, ông luôn chú ý tìm hiểu về nguồn gốc, tác dụng của các loại cỏ cây, đặc biệt là ông lưu ý đến những vị thuốc Nam quen thuộc để chữa bệnh thông thường cho bản thân và đồng đội. Những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, nhiều đồng đội cũng chia sẻ cho ông những bài thuốc quý để chữa bệnh. Những kiến thức tìm hiểu được, ông Đức đều cẩn thận ghi chép vào cuốn nhật ký. Chục năm ở chiến trường, ông lưu lại cho mình 20 cuốn nhật ký, trong đó có nhiều cuốn ghi lại kiến thức về Đông y.
Được bà Hiền ủng hộ, ông Đức lại "khăn gói quả mướp" lên tận Hà Nội tìm thầy học. Sau 5 năm, ông trở về và bắt cắt thuốc, trị bệnh cho người thân bằng Đông y. Cứ nghe ở đâu có cây thuốc lạ, thuốc hay là ông lại tìm đến xin hoặc mua về trồng để chữa bệnh cho dân nghèo. Mỗi lần tìm được cây thuốc quý, ông Đức lại ghi chép lại tên thuốc, công dụng, cách điều trị… chính vì thế, hiện nay ông có nhiều tài liệu quý về Đông y.
Những cuốn tài liệu này được ông sao chép thành nhiều bản để đưa cho người dân trong vùng đọc để có thể tự chữa bệnh cho bản thân khi cần thiết. Trong khu vườn rộng 4000m, vợ chồng ông trồng hàng nghìn vị thuốc Nam… Gần 20 năm làm nghề, ông Đức đã khám và điều trị cho trên 3 nghìn bệnh nhân và tư vấn cho hàng ngàn người kiến thức để tự điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình. Đặc biệt, với người nghèo, trẻ em thì ông Đức khám, chữa bệnh miễn phí. Ông Đức đã thực sự thành công và trở thành người thày thuốc có uy tín trong vùng, được người dân tin yêu, cảm phục.
Trong công tác từ thiện như khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo… ông đều ủng hộ và đi đầu trong các phong trào. Thành công trong công việc, ở cái tuổi xế chiều, ông Đức cũng đang sống trong sự viên mãn của hạnh phúc gia đình. Người vợ tảo tần vẫn sát cánh, động viên ông trong mọi việc. Tình yêu vĩnh cửu ấy của hai người đã chắp cánh cho 3 cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Giờ đây, cả ba người con của ông bà đều đã thành đạt và có mái ấm hạnh phúc gia đình riêng.
Bài, ảnh: Đào Hằng