Nhất là trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng cao nhưng giá thành sản phẩm đầu ra đang bị cạnh tranh ngày càng lớn của các sản phẩm cùng loại, do đó các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng với số lượng lớn càng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hành
tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, tiết kiệm điện năng là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần hạ giá thành sản phẩm và góp phần chung tay cùng ngành điện giải quyết bài toán thiếu điện nhất là trong những tháng mùa khô.
Tại Quyết định số 4936/QĐ-BCT ngày 27-8-2012 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011 - 2015, dự kiến sản lượng điện dùng cho ngành công nghiệp - xây dựng trong năm 2015 là 1.808,19GWh, chiếm 79,69% sản lượng điện của toàn tỉnh. Để đạt được kế hoạch trên các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tập trung.
Bà Tạ Thị Xuân Dậu, Trưởng phòng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại cho biết: Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng là yếu tố hàng đầu, rất cần thiết để tiết kiệm nguồn điện năng thật sự có hiệu quả nhằm phục vụ trong sản xuất, giảm chi phí giá thành sản xuất ra sản phẩm. Từ đó quản lý, theo dõi được tình hình tiết kiệm điện trên dây truyền sản xuất; giúp cho doanh nghiệp từng bước kéo giảm hiệu quả việc đầu tư vào giá thành cho sản phẩm.
Trong này, doanh nghiệp phải thực hiện việc xây dựng kế hoạch định kỳ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở; xây dựng và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu, chính sách và kế hoạch đã lập như thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị trên toàn bộ dây chuyền sản xuất, tình hình lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng của cơ sở; đào tạo, tập huấn cho người lao động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với những quy định, chế độ trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tùy theo tình hình thực tế sản xuất của Doanh nghiệp mình mà bố trí thời gian nghỉ giữa giờ hợp lý. Nên hạn chế các máy hoạt động trong giờ cao điểm nếu thật sự không quá cần thiết hoặc có thể chuyển sang làm việc giờ thấp điểm. Việc tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng được tiến hành bằng việc thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng đèn hùynh quang, lắp đặt các chụp đèn phản quang inox. Sử dụng các chụp đèn phản quang giúp tăng độ sáng tại các vị trí làm việc.
Giải pháp này trực tiếp làm giảm điện năng tiêu thụ đối với các khu vực cần tăng độ sáng và gián tiếp làm tăng năng xuất lao động. Đo đạc tại chỗ cho thấy, việc lắp đặt các chụp phản quang đã giúp gia tăng 42 - 50% cường độ sáng tại không gian làm việc trong xưởng.
Đối với việc lắp đặt biến tần, ông Hà Quang Điệp nói: Hiệu suất chuyển đổi nguồn của các bộ biến tần rất cao vì sử dụng các bộ linh kiện bán dẫn công suất chế tạo theo công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, năng lượng tiêu thụ cũng xấp xỉ bằng năng lượng yêu cầu của hệ thống.
Qua tính toán với các dữ liệu thực tế, với các chi phí thực tế thì với một động cơ sơ cấp khoảng 100 kW, thời gian thu hồi vốn đầu tư cho một bộ biến tần là khoảng từ 3 tháng đến 6 tháng. Hiện nay ở Việt nam đã có một số xí nghiệp sử dụng máy biến tần này và đã có kết quả rõ rệt. Với giải pháp tiết kiệm năng lượng bên cạnh việc nâng cao tính năng điều khiển hệ thống, các bộ biến tần hiện nay đang được coi là một ứng dụng chuẩn cho các hệ truyền động cho bơm và quạt.
Riêng đối với các nhà máy xi măng điều cần thiết hơn là về lâu dài ngành xi măng phải áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng.Công nghệ nghiền bi tiêu tốn nhiều năng lượng trước đây cần được thay thế bằng các công nghệ nghiền tiết kiệm năng lượng như nghiền đứng, nghiền Horomill.Phải có chính sách bắt buộc sử dụng nhiệt khí thải để phát điện ở các nhà máy xi măng.
Đặc biệt, tại các nhà máy xi măng lò quay, nhiệt độ khí thải thoát ra khỏi máy làm nguội clinke là 260 - 270 độ C, thoát khỏi tháp trao đổi nhiệt là 350 - 370 độ C. Nếu tận dụng tốt nhiệt thải này để phát điện có thể tiết kiệm đến 30% lượng điện tiêu thụ ở một nhà máy xi măng.
Tuy chủ trương này đã có trong Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhưng hiện còn nhiều doanh nghiệp tại Ninh Bình nói riêng và các doanh nghiệp cả nước nói chung chưa mặn mà với chủ trương đúng đắn trên.
Trương Quốc Bình