Thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; Đề án số 22 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2015-2020, hằng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trên 100 tỷ đồng cho các mô hình sản xuất, do vậy trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế là hướng đi đã được các cấp, các ngành và các chủ thể sản xuất quan tâm đầu tư, từ đó hình thành nên nhiều mô hình tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi giá trị đang mang lại giá trị hàng hóa cao, dần khẳng định thương hiệu các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực làm chuyển biến rõ nét chất lượng các HTX, xây dựng các mô hình, điển hình.
Cụ thể như việc tham mưu lồng ghép các chính sách, chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để xây dựng các mô hình, trong đó tập trung vào các hoạt động tư vấn, định hướng mô hình sản xuất, tham mưu chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị như xây, sửa chữa trụ sở, đầu tư các khu sơ chế, kho lạnh, máy sấy nông sản, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm HTX, Trung tâm giao dịch nông sản…; hỗ trợ kinh phí, điều kiện xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi từ đất 2 lúa sang nuôi, trồng thủy sản, mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp thông minh, hệ thống tưới tự động, nhà lưới, nhà kính, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình của các HTX…, hỗ trợ kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các HTX chuyên ngành để đi sâu sản xuất các sản phẩm theo vùng miền như chuyên về thủy sản, dược liệu, rau củ quả an toàn,…
Bên cạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất, Liên minh HTX tỉnh đã quan tâm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như: hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX; tổ chức cho các HTX, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ HTX do Liên minh HTX Việt Nam, tỉnh Ninh Bình, các tỉnh tổ chức; giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hình thành 45 HTX, Liên hiệp HTX có các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong các loại nhóm sản phẩm trên đã có 13 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 11 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: Qua hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các HTX; 8 gian hàng tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh; hệ thống gian hàng sản phẩm an toàn của Hội Nông dân tỉnh, hệ thống chợ đầu mối; các siêu thị, trung tâm thương mại và một số xuất khẩu.
Điển hình như chuỗi rau, củ, quả an toàn của HTX nông sản an toàn Đại Hoàng; chuỗi chạch sụn của HTX cây con đặc sản Yên Hòa; chuỗi tinh bột nghệ và các sản phẩm dược liệu của HTX dược liệu Yên Sơn; chuỗi các sản phẩm dê của HTX chăn nuôi dê Ninh Bình; chuỗi nông sản và du lịch trải nghiệm của HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp; chuỗi chè Tâm An Nguyên của HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp; chuỗi gà, lợn thảo dược của HTX nông sản hữu cơ Ninh Bình; chuỗi gạo hữu cơ của HTX nông nghiệp Hợp Tiến; chuỗi gạo đặc sản nếp hạt cau của HTX nông nghiệp Yên Bình; chuỗi cam, bưởi của HTX bưởi da xanh Tam Điệp; chuỗi nấm của các HTX nấm… doanh thu, thu nhập của HTX và người lao động khu vực kinh tế tập thể đều tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, là thành phần kinh tế quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, khu vực HTX phát triển theo chuỗi ở tỉnh Ninh Bình còn rất khiêm tốn và còn nhiều khó khăn, đa số các HTX nông nghiệp đều đang rất khó khăn trong tìm kiếm thị trường, thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất cũng như công nghệ chế biến, bảo quản, quy trình, kỹ thuật sản xuất chưa theo một quy chuẩn nhất định.
Một số doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm, từ đó có việc chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ép giá…; một số HTX, hộ nông dân chưa giữ được chữ tín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đối với các doanh nghiệp…
Bài, ảnh: Hồng Nhung