Sau hơn 20 ngày "nằm trại" tại Hạ Long, 39 nhà văn, nhà thơ và cây bút trẻ trong và ngoài quân đội ở khắp mọi miền đất nước đã ra mắt 16 bút ký, 25 truyện ngắn và nhiều bài thơ, chùm thơ. Nhà thơ, Đại tá Nguyễn Hữu Quý, trưởng ban tổ chức trại sáng tác cho biết, đó là con số vượt ngoài mong đợi.
Lấy chất liệu từ những cuộc thâm nhập thực tế quý giá về các Lữ đoàn 170, 147, 126 và Tổng Công ty Đông Bắc, các nhà văn, nhà thơ đã viết nên những bút ký, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn và thơ về người lính đảo với những tình cảm, chịu đựng gian khó, vững vàng trước những thử thách mới cũng như góc khuất cuộc sống của họ.
Ở mảng văn xuôi, có thể kể đến các truyện ngắn "Lính nhà nghề" (Văn Chinh), "Chuyện chưa có trong báo cáo" (Nam Ninh), "Ngoài khơi cha chưa về" (Từ Nguyên Tĩnh), hay các bút ký của các tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, Kiều Bích Hậu, Thụy Anh. Một số truyện ngắn xúc động đều được lấy cảm hứng và hình thành cốt truyện từ chuyến đi thực tế tại biển, đảo, đến với các đơn vị hải quân. Các nhà văn cho biết, trong chuyến đi lần này, họ may mắn gặp được các chiến sĩ hải quân, qua đó gợi cho họ nhiều nghĩ suy, trăn trở về cuộc sống, tinh thần của người lính đảo và những vấn đề hệ trọng của đất nước hôm nay.
Ở mảng thơ, nếu đề tài về biển đảo và chiến sĩ hải quân có lẽ đã khá quen thuộc với các nhà thơ lớn tuổi, thì đối với thế hệ trẻ lại là mới mẻ.Thế nhưng, ở trại sáng tác này đã xuất hiện nhiều gương mặt thơ trẻ với cách lập tứ mới lạ về đề tài này. Đó là các bài thơ "Ngắm bầu trời bằng đôi mắt chung" của Phùng Hải Yến, hay "Vọng biển" của Đoàn Văn Mật. Họ đều là những nhà thơ thế hệ 8x, với tình cảm lãng mạn và ấm áp dành cho các chiến sĩ hải quân.
Bên cạnh đó là những bài thơ của các nhà thơ nhiều trải nghiệm như "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến, "Búi tre ở Trường Sa" của Văn Chinh…
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, thì thơ ở trại viết lần này có cái nền khá vững, nhiều chất liệu đời sống nhưng lại thiếu "đỉnh". Anh cũng cho rằng, những gì thu hoạch được ở Trại sáng tác Hạ Long 2009 chỉ mới là "khúc dạo đầu" về đề tài biển đảo và chiến sĩ hải quân. Điều quý giá nhất có được từ trại viết này chính là tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ thâm nhập đời sống thực tế, giúp họ tiếp cận cuộc sống âm thầm lặng lẽ và không kém phần quyết liệt : đời sống của những người lính đảo. Và hy vọng "khúc dạo đầu" này sẽ được viết tiếp bởi những thôi thúc từ thực tế và từ tình cảm, chiêm nghiệm của họ.
Theo NDĐT