Xa xưa, Bát Tràng là mảnh đất tụ cư của nhiều dòng họ tới từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa) và sau là 5 dòng họ làng Bồ Bát (nay thuộc xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) là Lê, Phạm, Trần, Vượng, Nguyễn, thấy đất ở đây có vượng khí nên đưa gia quyến đến vùng này lập thành phường sản xuất gốm, và vì vùng này có đất sét trắng nên gọi là Bạch Thổ phường. Nghề gốm phát triển, nhiều gia đình ở Bồ Bát (Ninh Bình) tiếp tục đến lập nghiệp.
Đến nay nhiều dòng họ vẫn còn lưu giữ được những cuốn gia phả viết về thời điểm chuyển cư từ Ninh Bình ra Bát Tràng vào giai đoạn cuối thời Trần và Lê sơ Sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng từ xa xưa đều bắt đầu từ khâu tạo dáng với lối be, chạch và vuốt sản phẩm trên bàn xoay. Những sản phẩm mỹ nghệ đơn chiếc thường vẫn làm như thế. Nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn, các xưởng thợ đã thực hiện việc chuyên môn hóa các khâu sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Làng Bát Tràng cổ nay vẫn giữ nhiều dấu tích xưa qua kiến trúc những ngôi nhà thờ của dòng tộc, lối ngõ, những ô cửa sổ, đình chùa, đặc biệt là vật liệu xây dựng là gạch Bát Tràng, những viên gạch từng được "xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân" trong ca dao xưa. Tiếp nối truyền thống, Bát Tràng nay càng phát triển rực rỡ qua những sản phẩm gốm của mình. Nhiều thợ gốm với kinh nghiệm gia truyền lâu đời đã chế tác ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo cả về dáng, họa tiết trang trí và men, đặc biệt là men đồng đen, men cổ hoặc dát lá đồng mỏng trên họa tiết nổi của chân đèn men nâu…
Gốm Bát Tràng khá đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại.
Trong đó nổi danh các họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Đức Dương, Lê Quang Chiến, Trần Độ…và mới đây sau 15 năm nghiên cứu, thử nghiệm, nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã thành công với loại men rạn ( rạn từ xương gốm) vốn thất truyền ở Bát Tràng hàng trăm năm nay. Nghệ nhân Sơn đã cho ra lò mẻ gốm men rạn trắng ngà và hoa nâu đầu tiên với các loại rạn hạt vừng, rạn da rắn đạt giá trị nghệ thuật. Lê Minh Ngọc với chiếc lọ độc bình cao 3,2m, chỉ đứng sau chiếc độc bình cùng loại của Trung Quốc to nhất thế giới 0,30cm. Hiện nay, anh đang bắt tay vào chế tác chiếc lọ độc bình có chiều cao 5m, hy vọng được ghi tên vào sách Guisness bằng chính sản phẩm của mình. Phạm Thế Anh, mới 28 tuổi đã đứng ra quản lý công ty TNHH Trống Đồng với một xưởng gốm rộng 3.000m2 cùng vài chục bạn thợ. Bằng vốn nghề nghiệp khá vững vàng, anh vừa ký hợp đồng với một doanh nhân Mỹ hợp đồng chuyển giao công nghệ đầu tiên bằng bộ gốm- sơn gồm nhiều lọ và chậu hoa, độc quyền xuất sang Mỹ với hàng ngàn sản phẩm…
Ông Lê Xuân Phổ, chủ tịch Hội gốm xứ Bát Tràng cho biết: Bát Tràng trên 6 nghìn hộ, thì có tới 70% làm nghề sản xuất gốm và 20% làm dịch vụ nghề gốm; làng nghề có 12 nghệ nhân đã được nhà nước công nhận. Nhờ làng nghề có bề dày lịch sử với các sản phẩm gốm độc đáo đã có thương hiệu mà nhiều người dân ở đây đã vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: Trần Đức