Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 329 di tích đã được xếp hạng, 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động), 250 di tích cấp tỉnh, toàn tỉnh có 260 lễ hội. Các di tích và danh thắng tiêu biểu là Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, đền thờ công chúa Phất Kim (Cố đô Hoa Lư); Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương - quê hương Đinh Tiên Hoàng đế), Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Đền thờ Thánh Nguyễn, đình Trùng Thượng, đình Trùng Hạ, nhà thờ đá Phát Diệm, khu cách mạng Quỳnh Lưu, Tam Cốc - Bích Động, khu sinh thái hang động Tràng An, chùa Bái Đính... Các lễ hội tiêu biểu có Lễ hội Trường Yên, hội đền Thái Vi, hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội Báo Bản Nộn Khê, hội đền Dâu… Các làng nghề truyền thống như nghề mộc Phúc Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, chiếu cói Kim Sơn, thêu ren Ninh Hải... Đây là những di sản có giá trị cao, đa dạng, phong phú, mang tính tổng hợp và độc đáo. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, kiểm tra, lập hồ sơ xếp hạng, công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Trong giai đoạn 2010-2015, có tổng số 16 di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh. Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích gồm: kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Từ năm 2007, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp các di tích cấp tỉnh. Năm 2015, đã và đang tiến hành trùng tu, chống xuống cấp 7 di tích với số vốn trên 11 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Lễ hội Trường Yên, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng kịch bản Lễ hội Trường Yên làm căn cứ để thực hiện tổ chức lễ hội hàng năm. Đồng thời xây dựng Dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa, các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện Hoa Lư xây dựng Dự án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Trường Yên.
Hoạt động tu bổ di tích của tỉnh đã và đang từng bước đi vào nề nếp và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật như Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nghị định 70 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, Thông tư 18 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đối với các dự án về tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, UBND tỉnh đều giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, thủ tục được quy định như thỏa thuận chủ trương, thỏa thuận báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Các đơn vị tham gia thi công các dự án đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực tu bổ di tích, có cán bộ, nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, ngoài nguồn hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, nhân dân các địa phương đã tích cực đóng góp tiền của, công sức trùng tu, tôn tạo các di tích. Nhiều di tích đã nhận được sự đóng góp, công đức của nhân dân, các nhà hảo tâm với kinh phí hàng tỷ đồng, như tu sửa chùa Non Nước, nhân dân công đức 2 tỷ đồng; tu sửa chùa Hạ (Bích Động) 1,5 tỷ đồng, tu bổ chùa Đẩu Long (thành phố Ninh Bình) gần 1 tỷ đồng, đình Hàng Tổng (Yên Khánh) 30 tỷ đồng; đền Hành Khiển, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư huy động đầu tư gần 5 tỷ đồng; đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô có mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng… Tuy nhiên, việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa phát huy hết tiềm lực đóng góp to lớn của nhân dân, còn một số địa phương mang nặng tâm lý trông chờ vào Nhà nước, khi di tích được Nhà nước xếp hạng bị xuống cấp thì trông chờ vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ, trong khi đó lại huy động nhân dân đóng góp cho việc tu sửa những công trình chưa được Nhà nước xếp hạng. Ngoài ra, việc tu sửa, xây dựng các công trình di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa nhiều khi chưa đảm bảo về chuyên môn...
Việc quản lý các hiện vật, đồ thờ tự trong di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cũng được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm kiểm tra. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra, kiểm kê các biểu tượng, sản phẩm linh vật, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý.
Để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động du lịch, quản lý tổ chức và hoạt động lễ hội. Theo đó, khi triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, cần lồng ghép các chương trình ở địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện, như: làm đường vào di tích, phối hợp với tu bổ di tích để tạo thành một sản phẩm văn hóa du lịch hoàn chỉnh. Đồng thời, khi thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh cũng như tại các khu, điểm du lịch, cần đặt yếu tố bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lên hàng đầu, ngăn chặn nguy cơ bị xuống cấp của các di tích, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh. Cùng với đó, công tác trùng tu, tôn tạo di tích cần đi đôi với việc duy trì và phục dựng các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với di tích. Tăng cường hơn nữa việc lồng ghép giữa tổ chức lễ hội với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa, du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, nhằm giới thiệu với du khách nhiều hơn bản sắc văn hóa, mảnh đất và con người Ninh Bình.
Hạnh Chi