Liên hoan được đánh giá đã thành công rực rỡ, để lại dư âm tốt đẹp trong lòng Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên và nhiều khán giả yêu thích môn nghệ thuật múa.
Liên hoan Múa quốc tế 2017 thu hút sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ múa đến từ 15 quốc gia: Bangladesh, Campuchia, Colombia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Liên bang Nga, Singapore và Việt Nam.
Với tổng số 24 đoàn nghệ thuật, trong đó Philippines có 2 đoàn và nước chủ nhà Việt Nam có 9 đoàn, tham gia biểu diễn gần 100 tác phẩm tại Liên hoan cho thấy, so với Liên hoan Múa quốc tế lần thứ nhất năm 2014 diễn ra tại Huế (8 đơn vị quốc tế và 16 đơn vị trong nước), thì Liên hoan lần này có số lượng Đoàn nghệ thuật đông hơn hẳn. Đây chính là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công và hấp dẫn cho cuộc thi tại Ninh Bình.
Trong những ngày diễn ra Liên hoan, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đã trình diễn những tác phẩm múa tiêu biểu nhất của đất nước, dân tộc mình, mang đến sân khấu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tạo nên một bức tranh liên hoan múa nhiều màu sắc, sinh động và mang đậm vẻ đẹp truyền thống.
Mỗi đơn vị, đoàn nghệ thuật đều có những điểm nhấn độc đáo riêng, thu hút Hội đồng nghệ thuật, người xem cuốn hút theo những tác phẩm biểu diễn bằng niềm hứng khởi, đam mê, cổ vũ nhiệt thành.
Bằng ngôn ngữ rất riêng của nghệ thuật múa, các nghệ sỹ, diễn viên đã "kể" với khán giả những câu chuyện về đất nước, con người, dân tộc mình bằng vẻ đẹp nhân hậu, hiền hòa, chất phác, tái hiện đời sống sinh hoạt, tinh thần của người dân trên những miền quê, bản làng, đất nước yêu dấu, tất cả đều cầu mong có một cuộc sống no ấm, hòa bình, hạnh phúc.
Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật là những nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nghệ thuật múa tiêu biểu của một số nước trên thế giới và Việt Nam, với sự tham gia của đông đảo các nghệ sỹ, tinh thần nhiệt huyết cống hiến vì nghệ thuật, đã đem đến những tiết mục dự thi mang đậm phong cách riêng và đặc sắc, thể hiện sinh động nét đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền.
Với các thể loại như: múa ngắn, thơ múa, tổ khúc thơ múa, kịch múa ngắn và kịch múa, mỗi đoàn tuyển đều khéo léo trình diễn những thế mạnh riêng có của đơn vị mình. Các tác phẩm đã phản ánh đa dạng, sâu sắc về đề tài lịch sử, xã hội; mối quan hệ của con người trong quá khứ và hiện tại; vẻ đẹp tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; thái độ của người lao động trong đời sống thường nhật… Tất cả được lý giải bằng tư duy hình tượng nghệ thuật múa.
Anh Wong Chi Yinn, Đoàn nghệ thuật Cộng hòa Malaysia cho rằng, Liên hoan múa năm nay mang lại cho tôi và các nghệ sĩ múa trong đoàn nhiều điều lý thú và bổ ích. Đó là được mang những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, đất nước mình giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc tế. Điều làm chúng tôi phấn khởi hơn là nhận được sự quan tâm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nơi ăn, nghỉ, đi lại trong quá trình tham gia biểu diễn tại Ninh Bình.
Và đặc biệt hơn, khi tham quan danh thắng Tràng An, tôi không nghĩ nó đẹp đến thế, tôi thực sự ấn tượng với những dòng sông, con người, không gian núi non, hang động và điểm phim trường đóng phim Kong Skull Island nổi tiếng… Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi được đến Ninh Bình, đến Việt Nam lần này. Tôi sẽ cùng bạn bè, người thân trở lại đất nước xinh đẹp này trong thời gian gần nhất.
NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan cho biết: Liên hoan Múa quốc tế 2017 là cơ hội để các nghệ sĩ đến từ các quốc gia gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. Đây cũng là cầu nối văn hóa giúp các nước hiểu hơn về các giá trị văn hóa của nhau.
Dù khác biệt về tiếng nói nhưng qua ngôn ngữ múa, các đoàn nghệ thuật đã giúp khán giả Việt Nam được thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật đến từ các quốc gia ASEAN như Indonesia, Myanmar hay các quốc gia xa xôi như Ai Cập, Colombia và Cộng hòa liên bang Nga. Từ những giá trị khác biệt đó, qua sự thể hiện tinh tế, điêu luyện và nét đẹp truyền cảm chỉ có trong nghệ thuật múa đã tạo nên một khung cảnh rực rỡ sắc màu về bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia mang đến Liên hoan.
Đặc biệt, mặc dù là năm đầu tiên Ninh Bình được chọn là nơi diễn ra sự kiện nghệ thuật lớn mang tầm quốc tế, nhưng Ninh Bình đã làm rất tốt các điều kiện để Liên hoan diễn ra thành công. Cùng với việc chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tham gia biểu diễn trong thời gian diễn ra Liên hoan, Ban tổ chức địa phương còn bố trí cho các đoàn đi tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp của Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Sự nồng hậu, tinh thần mến khách của con người Ninh Bình và vẻ đẹp của mảnh đất Cố đô Hoa Lư đã để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đại biểu và các nghệ sỹ. Điều đáng nói là các nghệ sĩ không chỉ mang các tác phẩm đến dự thi tại Ninh Bình mà còn sẵn sàng cống hiến, phục vụ khán giả tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Thanh Hóa. Điều này cho thấy nghệ thuật múa đã tạo cho mình những giá trị đích thực và có sức lan tỏa lớn trong công chúng yêu nghệ thuật.
Kết thúc Liên hoan, có 10 tiết mục xuất sắc nhất được Ban Tổ chức trao HCV, trong đó Việt Nam giành 4 HCV cho các tiết mục: "Ký ức dòng Lam" của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội; "Mùa xuân thiêng liêng" của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; "Chong Shieu" của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; "Mẹ phù sa" của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Các tiết mục quốc tế đạt HCV có: "Hồng nhạn bay về phương Nam" của Đoàn Nghệ thuật Trung Quốc; "Zaclornaja" của Đoàn múa Liên bang Nga; "Main Zapin" của Đoàn nghệ thuật Malaysia; "Hoang dã" của Đoàn nghệ thuật Singapore; "Terriforio/Mantos" của Cộng hòa Colombia; "The white road" của Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 20 HCB và nhiều giải cho các cá nhân, tập thể khác.
Mỹ Hạnh