Gia tăng số người chết vì tai nạn lao động
Ông Phạm Ngọc Phúc, chuyên viên phòng Thanh tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nói: Người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng về công tác bảo hộ lao động. Dù Bộ luật Lao động đã quy định rất rõ: Doanh nghiệp phải đầu tư cho bảo hộ lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đầu tư thích đáng cho công tác bảo hộ lao động. Họ quan niệm đầu tư vào ATVSLĐ là tốn kém mà không mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, không ít chủ doanh nghiệp dù có hiểu biết nhất định về ATVSLĐ, nhưng lại không thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật. Ông Phạm Ngọc Phúc cho biết, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các nội dung ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-BYT-TLĐLĐVN ngày 31-10-1998 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Liên đoàn lao động Việt Nam. Cũng ít doanh nghiệp có bộ máy hỗ trợ giám đốc, chẳng hạn như thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động... Do vậy, việc triển khai các hoạt động để bảo vệ lao động… chưa được các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả.
Hiện, phần lớn doanh nghiệp không xây dựng đầy đủ nội dung của kế hoạch bảo hộ lao động, không đo kiểm môi trường làm việc, chưa kiểm định và đăng ký sử dụng đối với các thiết bị ATLĐ-VSLĐ... Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân trước tiên thuộc về vai trò của lãnh đạo trong doanh nghiệp. Vì đây là người có vai trò quyết định đưa ra và ủng hộ, cổ vũ các đoàn thể và người lao động trong doanh nghiệp thực hiện bảo hộ lao động.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, các vụ TNLĐ do nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Người lao động vốn là nông dân với trình độ văn hóa không cao, tính kỷ luật thấp, lại chưa được đào tạo nghề đã được tuyển dụng vào làm việc. Khi vào làm việc, người lao động cũng không được hướng dẫn, đào tạo nghề một cách bài bản mà thường có xu hướng đào tạo theo kiểu kèm cặp. Tức là người biết việc chỉ bảo cho người chưa biết. Nhiều khi, chủ sử dụng lao động còn bố trí công việc không phù hợp với trình độ khiến người lao động khó nắm bắt được công việc, thiết bị dẫn đến TNLĐ. Một số lao động có trình độ tay nghề, được huấn luyện về ATVSLĐ, nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm nên cũng dẫn tới TNLĐ…
Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành còn hạn chế. Hiện, trên địa bàn tỉnh ta có gần 3.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi năm, Đoàn kiểm tra liên ngành mới chỉ tiến hành thanh, kiểm tra được từ 10-20 đơn vị. Như vậy, để kiểm tra hết "lượt đầu" đối với tất cả các doanh nghiệp đã phải mất tới... vài chục năm. Dẫu thế, ông Phúc cho biết thêm: "Số doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ chiếm tới 80% số đã kiểm tra mỗi năm. Nhưng hình thức xử lý đối với những đơn vị này mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo. Một số đơn vị có mức độ vi phạm nặng, lại tái diễn nhiều lần thì bị lập biên bản, phạt tiền. Tuy nhiên, đến nay Đoàn kiểm tra liên ngành cũng chưa thu được đồng tiền phạt nào. Vì chủ các doanh nghiệp luôn kiếm cớ để tránh Đoàn kiểm tra. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giảm TNLĐ trong doanh nghiệp chưa thực sự bền vững".
Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Những vụ TNLĐ xảy ra dù nguyên nhân nào thì thiệt thòi vẫn thuộc về người lao động. Để khắc phục thực tế này, các đơn vị sản xuất nhất thiết phải đặt điều kiện làm việc an toàn cho người lao động lên hàng đầu. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về ATVSLĐ. Công tác quản lý ATVSLĐ ở tỉnh ta cũng đã được thực hiện tốt hơn, các dự án về lĩnh vực này cũng được triển khi đồng bộ, công tác tuyên truyền được nâng lên, các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giám sát, thực thi ATVSLĐ cũng được triển khai tốt.
Tuy nhiên, trên thực tế việc giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự bền vững. Do đó, trước tiên cần phải tạo nên ý thức "thường trực" và sâu rộng về ATVSLĐ trong toàn xã hội. Dẫu việc thực thi ATVSLĐ đã có chuyển biến đáng mừng, nhưng phần lớn các vụ TNLĐ dẫn đến chết người lại vẫn do nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ ở chủ doanh nghiệp và người lao động là chưa tốt.
Vì vậy, một bộ chuẩn "mở" về ATVSLĐ được bổ sung, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp từng thời điểm, đặc trưng vùng, từng lĩnh vực ngành nghề… là thứ cần có để đáp ứng những yêu cầu bức thiết về quản lý và thực thi ATVSLĐ hiện nay. Hiện, một số quy định về ATVSLĐ đang thiếu tính khả thi vì nhiều nguyên nhân. Như vậy, cùng với công tác tập huấn, việc hỗ trợ các doanh nghiệp về kỹ thuật, thiết bị… để đảm bảo ATVSLĐ cũng cần đẩy mạnh hơn nữa. Không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng khi xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị tương thích với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo ATVSLĐ, thậm chí còn gặp khó khăn trong việc đầu tư kinh phí cho mua sắm thiết bị ATVSLĐ.
Ông Hoàng Minh Quế, Trưởng Ban kinh tế, chính sách LĐLĐ tỉnh cho biết: "LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ năm 2013, đồng thời đã triển khai, hướng dẫn thực hiện tới từng đơn vị. Nhiệm vụ trọng tâm của LĐLĐ tỉnh trong giai đoạn này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực quan tới người lao động và người sử dụng lao động, giúp họ nắm được nội dung của Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ để tổ chức thực hiện. LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành kiểm tra, kiện toàn, bổ sung, sửa đổi những nội quy lao động, kiện toàn bộ máy vệ sinh lao động. Tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Tổ chức các cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi tại các địa phương". Tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Lao động.
Phát huy vai trò đó, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ. Phối hợp kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Tuyên truyền, vận động nhân dân, CNVCLĐ các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện ATVSLĐ trong sản xuất công nghiệp. Phong trào "Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm VSATLĐ" đã được triển khai thường xuyên trong các doanh nghiệp. Phát động phong trào thi đua "Phát huy sáng kiến, nghiên cứu đề tài khoa học về bảo hộ lao động" nhằm đảm bảo ATLĐ cho công nhân.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về ATLĐ, để đưa được văn hóa an toàn lao động vào được trong các doanh nghiệp thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Trước hết, cần đẩy mạnh trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và mở rộng phạm vi tham gia của các đối tác xã hội khác với nhiều phương thức, hình thức và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện các chính sách về ATLĐ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung tham gia với Nhà nước xây dựng các văn bản pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp...
Thu Hằng