Không chỉ là thương binh, ông Ngô Văn Lợi, xóm 10, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) còn là nạn nân trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam. Cả 4 người con của ông đều bị nhiễm chất độc này, bởi vậy, cuộc sống của vợ chồng ông bà hết sức khó khăn. "Trong cả giấc mơ, tôi cũng không nghĩ có ngày sửa chữa được ngôi nhà cấp 4 dột nát. Vậy mà nay giấc mơ đó đã thành sự thực. Có ngôi nhà kiên cố, không phải lo lắng mỗi khi trời mưa gió, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để vun vén, xây dựng cuộc sống tốt hơn" - thương binh Ngô Văn Lợi chia sẻ.
Ngôi nhà mới của vợ chồng ông Lợi được khánh thành từ đầu năm 2019, với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu kết nghĩa hỗ trợ 50 triệu đồng, tỉnh và huyện hỗ trợ 50 triệu đồng và tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt. Số tiền còn lại của gia đình, anh em và chính quyền xã hỗ trợ thêm, các tổ chức, đoàn thể của xã hỗ trợ ngày công lao động.
Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh ta trong các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" những năm qua. Theo đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ Người có công với cách mạng về nhà ở, ngành Lao động, TBXH đã phối hợp Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với 2.247 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng (gồm xây mới 1.173 hộ, sửa chữa 1.074 hộ). Đến nay, đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 2.096 hộ, với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng, trong đó tỉnh ta đã trích 15,4 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội".
Bên cạnh đó, nhằm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công, hàng năm, tỉnh ta cũng đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ, đặc biệt là vào các năm chẵn, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có tính giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương. UBND tỉnh cũng đã kịp thời phân công các cơ quan, đơn vị nhận phượng dưỡng hết đời 100% các Bà mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta đã phát động và tổ chức tốt việc thăm hỏi tặng quà động viên các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết, với trên 1.120.000 suất quà, trị giá 253 tỷ đồng. Từ năm 2015, cùng với quà của Chủ tịch nước, tỉnh ta đã tặng quà bằng hiện vật mỗi suất quà 300.000 đồng tặng cho các đối tượng người có công và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7.
Năm 2017, tỉnh ta đã thành lập "Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội". Đến nay, toàn tỉnh đã vận động được trên 110 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh là 31 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh ta còn vận động tặng trên 300 Sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 268 triệu đồng; vận động các bệnh viện của Trung ương và địa phương nhiều lần tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công với kinh phí hàng tỷ đồng. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú (đạt chỉ tiêu của toàn quốc giai đoạn 2016- 2020). Từ năm 2013, đã có 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Ninh Bình còn 217 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với 356 khẩu. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2020, Sở Lao động, TBXH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng-1 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, 100% hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng thoát nghèo.
Tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vị toàn tỉnh, đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng theo qui định.
Qua rà soát ở 1.674 tổ rà soát khu dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) thuộc 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, có 36.267 lượt người hưởng chế độ ưu đãi thuộc 7 đối tượng rà soát, trong đó chỉ có 25 người hưởng sai chế độ, bằng 0,06%.
Thông qua kết quả rà soát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời kiểm tra, giải quyết và xử lý dứt điểm đối với các trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, các trường hợp đã được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa đầy đủ và các trường hợp chưa được xác nhận là người có công.
Đào Hằng