Là một nhà giáo có nhiều năm làm công tác Đoàn, công tác Đảng, anh có sự trải nghiệm, nhìn nhận cuộc đời một cách tinh tế, đậm chất nhân văn. Với phẩm chất của một người cầm bút sáng tạo, giàu cảm xúc, thơ và truyện của anh luôn đau đáu một nỗi niềm, khát vọng vươn lên, để lại những dấu ấn sâu sắc qua từng trang viết. Mỗi tác phẩm của anh là một mảnh trời riêng, lấp lánh bình minh song cũng không ít bão giông, mưa nắng…
Nguyễn Khắc Thiệu sinh ra và lớn lên bên dòng Sào Khê thuộc đất Trường Yên, vùng đất địa linh, từng là kinh đô của 3 triều đại Đinh - Lê - Lý. Những ký ức trên mảnh đất cố đô đã tác động đến tâm hồn, tư tưởng, nhân sinh của Nguyễn Khắc Thiệu trong sáng tạo nghệ thuật. Đã đi gần trọn cuộc đời, sống xa quê nhưng hình ảnh quê hương vẫn luôn hiện hữu trong anh trầm hùng mà tha thiết:
Vẫn rì rầm dòng chảy Sào Khê
Vẫn ngạo nghễ đây kia non Yên Mã
Lăng tẩm đền đài uy nghiêm còn đó
Con cháu về hương khói nhớ người xa
(Nghĩ về năm ba nghìn)
Nét độc đáo là cái mà anh mong, anh nhớ hôm nay sẽ mãi trường tồn để đến "năm ba nghìn" cháu con về với Cố đô xưa, vẫn nhận ra thế vững bền muôn thuở của Cố đô xưa, của non sông Đại Việt.
Cuộc sống bấy giờ chắc rất nên thơ
Vẫn phòng ngừa giặc ngoại xâm kéo đến
Để con cháu không còn đi chinh chiến
Hết cảnh vợ chồng núi đá hóa vọng phu
Sự lắng đọng dồn nén như vậy có rất nhiều trong 61 bài thơ được tuyển chọn, đăng trong tập thơ "Tôi vẫn là tôi". Đọc thơ anh thấy không còn những nét bồng bột mà đã đậm chất suy tư, hướng tới những triết lý nhân sinh mà bất kỳ người nào cũng cần đề cập tới.
Học thói đời khinh bạc
Vắt chân ngồi uống trà
Kệ ai đời kiết xác
Quên quán cũ, gốc đa
Bất ngờ cơn bão qua
Thấy mình là hạt bụi
(Tự trào)
Tác giả dẫn bạn đọc đến một lẽ nhân sinh, sống đúng với chính mình, hướng tới điều chân thiện, không quên nguồn cội, làm những việc có ích cho đời, để khi nhắm mắt xuôi tay không ân hận hối tiếc bởi mỗi chúng ta "sinh ra từ cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi". Thơ anh viết ra từ một ngòi bút đã có nhiều trải nghiệm, những vui buồn, bất hạnh, được mất của cuộc đời là khối trầm tích đã bồi đắp qua năm tháng, được nghiền ngẫm, chắt lọc đem lại những giá trị nhân văn, những tố chất cần thiết cho người đọc.
Thế giới con người trong "Tôi vẫn là tôi" thật giàu hình ảnh, lấp lánh sắc màu của một thời kỳ đầy ắp kỷ niệm được nhà thơ chuyển tải đến bạn đọc bằng cả những thủ pháp nghệ thuật và sức lay động của con tim nghệ sĩ như "Thổi hồn vào đá", "Những chiếc ba lô", "Tôi và em", "Với em... quan họ", "Chia ly", "Với em trong đêm Valentine ở Sài Gòn", "Bài thơ tặng vợ". Mọi triết lý nhân sinh không hề được dẫn dắt mà tự nó bộc lộ bởi chính những giá trị mà nhà thơ đã sống cho mình, cho đời. Chỉ có người sống hết mình với tình yêu, thủy chung và nặng lòng với hạnh phúc mới nhận ra chân giá trị mà tình yêu đem lại.
Nửa đời bận bịu cháu con
Vẫn không lấy hết nét giòn vợ tôi
Hàm răng cắn chỉ vẫn tươi
Tôi đang bức xúc cũng vơi nỗi lòng
(Bài thơ tặng vợ)
Đã vào tuổi 70 nhưng anh vẫn trẻ trung nhớ về năm tháng tuổi thơ, vẫn cảm nhận hết hương sắc đồng nội.
Sườn đồi trắng xóa hoa Lau
Bâng khuâng nhớ buổi chăn trâu thuở nào
Trên cành ổi chín như sao
Hương thơm ngào ngạt hòa vào không gian
(Vào thu)
Đến với thơ, anh luôn đắm mình trong cảm xúc, dâng hiến, trải lòng mình với bao số phận, bao cuộc đời, theo bước tiền nhân:
Văn chương rút ruột chốn này
Vừa cao tráng khúc vừa ngây ngất tình
(Đưa cháu đi thắp hương cụ Trương Hán Siêu trước ngày thơ)
Anh luôn thả mình vào dòng chảy lịch sử, tôn thờ những bậc hào kiệt túc nho đã làm rạng danh non nước Hoa Lư
Non nước lại càng đẹp biết bao
Ngọn bút tài hoa Trương Hán Siêu
"Thiên cổ hùng văn - Đằng Giang phú"
Với những vần thơ tựa dáng kiều
(Non nước)
Thiên nhiên trong thơ anh vừa thực, vừa mơ, vừa gần gũi với cuộc sống, vừa lãng đãng trong hoài niệm xa xăm mà người đuổi bắt như kẻ lữ hành mê mải:
Lộc xuân thì đã tràn trề
Lòng thì vẫn thấy bộn bề tơ vương
Có gì nửa nhớ, nửa thương
Nửa mùa hạ chín, nửa đang thu về
(Lại xuân)
Nhà thơ còn dẫn dắt người đọc đến với thế giới tâm linh, với nhà tăng cửa pháp để mà tĩnh tâm, hóa giải những gì còn chất chứa trong tâm can, để được sống thanh thản hơn, tự tin hơn.
Ta về Yên Tử em ơi
Gội đi bụi bặm kiếp người trần gian
(Lên Yên Tử)
Có mặt trong đoàn người hành hương về cõi phật, nhà thơ nhắn với mấy ông hộ pháp giữ cửa chùa
Một tay ông cầm chày
Một tay ông cầm giáo
Trước đoàn người láo nháo
Thật giả ông biết chăng
(Trò chuyện với ông hộ pháp trên chùa)
Thơ Nguyễn Khắc Thiệu rất gần với đời sống thường nhật nhưng vẫn đậm chất triết lý, đi tìm lời giải cho những cuộc đời, những số phận trái ngang. Một con người cụ thể, một số phận, một mảnh đời đâu đó quanh ta, bằng ngôn ngữ văn học, anh đã nâng lên thành hình tượng có sức khái quát cao. Có lẽ đây cũng là dấu ấn rõ nét nhất để khẳng định tư chất, bút pháp, một giọng điệu, một phong cách riêng của thơ anh. Nguyễn Khắc Thiệu khá thành công trong thể thơ lục bát, tiêu biểu như "Bài thơ tặng vợ", "Chia ly", "Với em… quan họ", "Vẫn mình", "Tìm người giúp việc cho cháu", và cả trong thể thơ tự do như "Thời của thơ", "Bình minh", "Tiếc nuối"… với hiệu ứng nghệ thuật cao.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những tồn tại trong sử dụng ngôn từ, hình ảnh, còn thiên về mô tả, theo đó mà tính hướng nội chưa cao, sự chuyển tải mà ý tưởng đặt ra cho một số bài thơ còn hạn chế. Sau "Hạnh phúc đơn sơ", "Một chữ trong tôi" đến "Tôi vẫn là tôi" đã thêm một lần nữa khẳng định tính cách thơ, bút pháp rất riêng của Nguyễn Khắc Thiệu. Hy vọng anh tiếp tục có những gặt hái thành công hơn nữa trên con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật đầy nhiệt tâm của mình.
Lê Liêu