Thư viện này được khánh thành đúng vào dịp sinh nhật Bác năm 2012. Từ đó tới nay tùy từng giai đoạn mà bà con đến với "thư viện" nhiều hay ít, nhưng chưa bao giờ vắng bạn đọc. Ông Phạm Xuân Ngợi, nguyên chi hội trưởng CCB thôn chia sẻ: Những năm gần đây, ở các làng quê, thói quen đọc sách của người dân bị mai một đi nhiều, nhất là những người trẻ tuổi. Vì vậy việc thành lập được tủ sách đã khó nhưng duy trì hiệu quả thì còn khó hơn rất nhiều.
Là người đầu tiên và hiện nay cũng là phụ trách chính của "thư viện", bản thân ông Ngợi chưa hề có chuyên môn gì về thư viện, quản lý sách báo mà đơn thuần là niềm ham mê đọc sách, muốn giữ gìn và khích lệ phong trào đọc sách ở vùng nông thôn. Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, ở đây những cuốn sách cả mới cả cũ đều đã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trên kệ với từng chủ đề theo một cách khá chuyên nghiệp. Được biết, hàng ngày, hội viên nào rảnh rỗi sẽ cùng trực thư viện và kiểm kê đầu sách. Ông Ngợi cho biết: chúng tôi vừa làm vừa học, từng bước tích lũy kinh nghiệm từ việc phân loại, làm tem nhãn đến cách kê dựng sách giúp độc giả dễ tra cứu hơn…
Ban đầu, chi hội xin hỗ trợ của thôn với việc mượn căn nhà cấp 4 (trước đây là nhà trẻ) ở ngay vị trí trung tâm, đồng thời huy động một số nguồn lực mang về những bộ bàn ghế cũ kê cho ngay ngắn. Ông Ngợi cho rằng: Có bàn ghế ngay ngắn, nhìn nghiêm túc, người dân mới đến đọc. Rồi sau đó, với những đầu sách quyên góp được, ông tỉ mỉ lau chùi, bảo quản từng trang để chống ẩm cho sách.
Việc phân loại ra từng mục cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức. Hiện sách ở đây đã được chia ra một số lĩnh vực chính như: chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học, pháp luật, thiếu nhi… Ngoài ra, "thư viện" cũng có tủ sách nhỏ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết. Để tăng thêm đầu sách cho thư viện, chi hội còn dày công đi vận động người dân trong thôn, con em làm ăn xa ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc đóng góp sách cũ.
Có người chỉ mang đến một vài quyển, có người gửi về hơn một trăm đầu sách hay… nhưng đều được "Thư viện" trân trọng sắp xếp, trưng bày. Vì vậy mà dù chỉ là "thư viện làng" song ở đây có khá nhiều sách quý như: "30/4/1975 và ký ức của những cựu tù chính trị Côn đảo", "Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Nóng bỏng vùng biên"…
Hiện "Thư viện" mở cửa đều đặn 2 buổi/tuần vào các ngày thứ 7 và chủ nhật, riêng mùa hè mở thêm vào ngày thứ 5. Một độc giả cao tuổi chia sẻ: Hầu như tôi đọc các thông tin về khoa học, nhất là phòng bệnh, chữa bệnh cho tuổi già, sau đó truyền đạt lại cho các cụ đang gặp khó khăn không đi được hoặc chưa nắm được. Còn nhiều bạn trẻ tới đây lại có thêm những cuốn sách hay để trau dồi kiến thức, để học cách làm kinh tế, làm giàu, nông dân đọc để học cách chăn nuôi, trồng trọt… Từ khi có thư viện, bà con dần hình thành thói quen đọc sách, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong thôn được nâng cao.
Ông Ngợi chia sẻ: Với sự phát triển của công nghệ truyền hình và mạng xã hội thì "văn hóa đọc" đang ngày càng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thói quen đọc sách vẫn nên được duy trì bởi thực tế đọc sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách, rèn luyện cho con người những kỹ năng, tình cảm và thói quen có ích. Việc "Thư viện" của chúng tôi chưa khi nào vắng bóng bạn đọc thực sự là điều rất đáng mừng, chứng tỏ người dân vùng nông thôn vẫn có nhu cầu đọc sách thật sự.
Bài, ảnh: Đào Duy