Những ký ức không thể nào quên của vị lão thành cách mạng này về thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc sẽ được chúng tôi chuyển tải qua cuộc trò chuyện sau đây, hy vọng có thể mang đến cho độc giả những hình ảnh chân thực, gần gũi và những cảm xúc lắng đọng về ngày Tết độc lập đầu tiên của dân tộc cách đây 70 năm.
Phóng viên (P.V): Thưa ông, ông còn nhớ cảm xúc của mình trong ngày 2-9-1945?
Ông Lương Đắc Bằng: Khi nghe tin Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, cả làng Lũ Phong (Quỳnh Lưu) quê hương của tôi, ai cũng háo hức hướng về Hà Nội, về Bác Hồ. Lúc ấy những bài hát "Diệt phát xít", , "Tiến quân ca"... và những khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm!", "ủng hộ Việt Minh!" vang lên thân thiết lắm, nghe xúc động vô cùng. Tôi còn nhớ hôm ấy trong làng nhiều gia đình còn làm cơm cúng, hoặc có chút hoa quả vườn nhà thắp nén hương kính báo Tổ tiên là nước mình đã được độc lập, tự do. Mọi thứ trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Bạn sẽ hiểu rõ hơn về cảm xúc ấy nếu biết rằng trước đó quê hương tôi nghèo khổ vô cùng. Đối với riêng tôi, ngay từ nhỏ đã bị ám ảnh bởi cảnh cha mẹ mình làm ngày làm đêm nhưng lúc nào cũng thiếu đói bởi sưu cao thuế nặng, bởi sự bóc lột tàn nhẫn của bọn hương lý, kỳ hào... Nhưng tôi cũng rất may mắn được sinh ra và lớn lên ở quê hương cách mạng (nơi có chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình) đã góp phần hun đúc trong tôi lòng yêu nước, thương đồng bào, biết căm thù đế quốc, phong kiến. Ngày 15-8-1943 tôi chính thức được kết nạp vào đội nhi đồng cứu quốc của Mặt trận Việt Minh (thuộc tổng Quỳnh Lưu). Hàng ngày tôi vừa đi học, vừa liên hệ với các anh chị trong đội để nghe kể về thời sự, về gương anh hùng chống giặc ngoại xâm, gương dũng cảm đánh Tây. Sau đó tôi còn được giao nhiệm vụ liên lạc, che mắt bọn việt gian phản động, hương lý, kỳ hào theo Tây, Nhật. Còn nhớ nhiều lần đi bắt cua, bắt ốc, kiếm củi chăn trâu với bạn bè nhưng chính là canh gác vòng ngoài, sẵn sàng có tín hiệu từ xa để hội họp an toàn. Rồi những lần đưa tin tức thư từ, tài liệu, dẫn người đến điểm hẹn, đến các vùng, các xã cách vùng bất kể ngày đêm, mưa gió... nhưng trong lòng đầy háo hức, mong ngóng đến ngày cách mạng thành công. Tôi cũng nhớ rất rõ, trước ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập không lâu, ngày 20-8-1945, nhân dân trong làng, trong xã tôi rầm rộ tay giương cao vũ khí thô sơ, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh tiến về thị xã Ninh Bình giành chính quyền về tay công nông thắng lợi. Ai cũng dự cảm ngày độc lập đã rất gần kề. Và tới ngày 2-9, mọi cảm xúc như vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ.
P.V: Cảm xúc thiêng liêng của ngày 2-9 có tác động như thế nào đến những suy nghĩ và hành động của ông sau này?
Ông Lương Đắc Bằng: Cảm xúc ấy chính là hành trang quý báu trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Sau ngày 2-9-1945, tổng Quỳnh Lưu lại mở trường phổ thông cơ sở cách mạng, tôi tiếp tục theo học, vừa học vừa tham gia công tác thông tin tuyên truyền và dạy bình dân học vụ. Niên khóa 1946-1947 tôi đỗ tốt nghiệp thủ khoa, thi vào trường phổ thông trung học Hoa Lư của Liên khu III mở tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Đến năm 1949, lúc thầy trò tôi đang ở giai đoạn nước rút ôn tập thi tú tài thì giặc Pháp mở trận càn đánh rộng ra toàn tỉnh, tôi đành bỏ dở việc học tập, tập trung làm công tác thông tin tuyên truyền, bình dân học vụ tại địa phương. Ngày 12-5-1949, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đến tháng 8 thì được trở thành đảng viên chính thức. Lúc ấy tôi mới 19 tuổi, là đảng viên trẻ nhất, có trình độ văn hóa cao so với mặt bằng dân trí trong xã. Do đó, tôi tiếp tục được cử đi học Trường Đảng liên khu III (Trường cán bộ tổng phản công) và được chọn là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Đại đoàn 304 tại Trùy Giang, Thiệu Hóa (Thanh Hóa), được phân công là trợ lý chính trị. Cuộc đời quân ngũ của tôi bắt đầu từ đó. Đi khắp các chiến trường, ở khắp các vùng miền nơi nào tôi cũng luôn nhớ và làm theo lời dạy của Bác: phải trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
P.V: Chứng kiến cả chặng đường lịch sử dài mấy chục năm của đất nước, của quê hương, theo ông đổi thay rõ nét nhất của ngày hôm nay là gì?
Ông Lương Đắc Bằng: Tôi cho rằng những giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người được nêu trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác đến ngày hôm nay vẫn đang được Đảng và nhân dân ta gìn giữ, phát huy, tạo nên những đổi thay lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần của mỗi con người, mỗi gia đình. Đối với tỉnh ta, qua theo dõi, tôi rất phấn khởi trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là một trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Được biết, sắp tới tỉnh sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tôi mong muốn và tin tưởng, Đại hội sẽ đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được trong cả nhiệm kỳ và đề ra những giải pháp quan trọng góp phần tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm tiếp theo, tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đào Duy (Thực hiện)