PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ?
CCB Đỗ Ngọc Ánh: Đối với tôi, mỗi lần được gặp Bác là một kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai trong ký ức. Lần đầu tiên là vào năm 1956, khi ấy tôi là Tổ trưởng tổ đổi công số 3 của huyện Yên Mô. Do có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất nông nghiệp nên tôi vinh dự được thay mặt anh em trong Tổ tham dự "Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp và đại biểu các tổ đổi công gương mẫu toàn miền Bắc", tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị vinh dự được đón Bác Hồ. Được tin Người đến dự, chúng tôi ai cũng hân hoan, háo hức mong được nhìn thấy Bác. Khi Người bước vào hội trường, tất cả mọi người đứng lên vỗ tay chào Bác và hô vang Hồ Chủ tịch muôn năm! Tại đây, Người đã chỉ rõ: "Tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất"; "Động lực chính là thanh niên và bộ đội. Thanh niên và bộ đội phải như đầu tàu của phong trào thi đua trong nông nghiệp"; "Muốn tăng gia sản xuất phải thi đua, phải chống bão lụt, hạn hán..., phải cải tiến kỹ thuật, phải học hỏi và trao đổi kinh nghiệm"...
Được gặp Bác, ai cũng vui mừng, phấn khởi và tự nhủ mình phải ra sức phấn đấu để thực hiện bằng được những lời căn dặn của Người. Sau hội nghị, tôi đã tích cực truyền đạt những lời căn dặn của Người với tổ viên trong Tổ đổi công và không ngừng nỗ lực tăng gia sản xuất. 2 năm sau (năm 1958), Tổ đổi công số 3 chuyển đổi thành HTX Nông nghiệp Bình Minh, tôi được tín nhiệm cử giữ chức Chủ nhiệm HTX. Những năm đó, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp của HTX đã giành nhiều kết quả to lớn, trở thành một trong những lá cờ đầu trong nông nghiệp của huyện Yên Mô và của tỉnh. Do đó, một lần nữa tôi vinh dự được cử ra Hà Nội tham dự "Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ 2". Tại đây, tôi và các anh hùng, chiến sĩ thi đua được gặp Bác Hồ, được ăn cơm cùng Người và vinh dự được Bác tặng quà, tặng Huy hiệu.
PV: Sau hai lần vinh dự được gặp Bác, hình ảnh và tấm gương đạo đức của Người có sức ảnh hưởng như thế nào đối với ông?
CCB Đỗ Ngọc Ánh: Bác Hồ của chúng ta giản dị lắm! Trong những lần gặp Người, tôi không nghĩ một vị lãnh tụ tối cao như Bác lại giản dị và ân cần đến thế. Khi được ngồi ăn cơm cùng, Bác đã thân mật hỏi thăm, trò chuyện cuộc sống của mỗi người, tình hình thực tế ở địa phương, Tổ đội sản xuất. Vì vậy ai ai cũng xúc động và cảm thấy Người thật gần gũi, thân thương. Tôi còn nhớ, trong lời phát biểu chào mừng "Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ 2", Bác nói: Các anh hùng, chiến sĩ thi đua thì cần nhận rõ rằng, thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích, thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn. Tuyệt đối chớ tự mãn. Vì vậy, các anh hùng, chiến sĩ cần phải luôn luôn cố gắng và khiêm tốn…
Những lời dạy của Bác là nguồn động viên lớn lao, trở thành động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hơn nữa trên con đường hoạt động cách mạng sau này. Năm 1959, tôi xung phong nhập ngũ, sau khóa huấn luyện tân binh, tôi được cấp trên cử đi đào tạo hạ sĩ quan, sĩ quan và từng được tham gia nhiều trận đánh lớn như: trận đánh Lệ Thủy- Quảng Bình; chiến dịch mùa hè Quảng Trị (năm 1970, 1972); chiến dịch Nam Lào; chiến dịch Hồ Chí Minh... Ghi nhận những thành tích trong chiến đấu, tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhất, huân chương chiến công hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; huân chương chiến sĩ vẻ vang 1, 2, 3; Huân chương chiến sĩ giải phóng 1, 2, 3, cùng nhiều danh hiệu, bằng khen các loại.
Sau ngày đất nước giải phóng, tôi kinh qua nhiều vị trí công tác. Năm 1990, tôi về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Trở về địa phương tôi tích cực tham gia các phong trào và được các CCB xã Yên Từ tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB xã rồi Chủ tịch Hội CCB xã…
Trong suốt cuộc đời quân ngũ và cho đến tận bây giời, tôi luôn xác đinh cho mình dù ở cương vị, trách nhiệm, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện là một người lính Cụ Hồ, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi luôn động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập, sống giản dị, tiết kiệm, trung thực và trách nhiệm.
PV: Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
CCB Đỗ Ngọc Ánh: Tôi cho rằng đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Bộ Chính trị, là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, tạo sự chuyển biến trong hành động thực tiễn. Thực hiện Chỉ thị 03, không chỉ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về đạo đức mà điều quan trọng hơn là khơi dậy ở họ mong muốn có phẩm chất đạo đức, hình thành khát vọng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện theo những tiêu chuẩn đạo đức mới. Đồng thời đấu tranh khắc phục sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và đó cũng là cách để tấm gương đạo đức sáng ngời cùng những lời dạy của Người lan tỏa trong đời sống xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đinh Ngọc (Thực hiện)