"Gieo hạt giống đỏ" ở vùng ven biển- Kỳ 1: Nỗi lo trên "vùng đất khó"
Thứ Tư, 28/04/2021, 03:36
Zalo
Do nằm cách xa trung tâm huyện, điều kiện kinh tế khó khăn, thành phần dân cư đa dạng nên tại các xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn công tác phát triển đảng viên chưa khi nào dễ dàng. Thế nhưng những nỗ lực không ngừng, những cách làm sáng tạo của cấp ủy địa phương để ươm mầm những "hạt giống đỏ" ngay tại vùng đất khó cũng đã bắt đầu cho "quả ngọt".
"Gieo hạt giống đỏ" ở vùng ven biển- Kỳ 1: Nỗi lo trên "vùng đất khó"
Dù đã thấy rõ vai trò của các đảng viên nông thôn nhưng có một thực tế đang tồn tại lâu nay tại các địa phương ven biển đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kết nạp vào Đảng.
Chi bộ xóm 10B, xã Cồn Thoi hiện có 22 đảng viên, trong đó gần như vắng bóng các đảng viên trẻ bởi từ năm 2013 đến nay (tức là khoảng gần 10 năm) chi bộ mới chỉ kết nạp được 2 đảng viên mới.
Đồng chí Phạm Văn Tính, Bí thư Chi bộ lý giải: Nằm cách trung tâm huyện hàng chục km, kinh tế chưa phát triển, địa phương dường như rất khó để "níu chân" lực lượng lao động trẻ ở lại quê nhà, những năm qua họ thường tìm cách đi làm ăn xa. Bởi vậy chúng tôi thiếu đi những nhân tố tích cực để bồi dưỡng kết nạp Đảng.
"Trong khi đó, quan niệm sinh nhiều con, có con trai vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình vùng biển khiến tình trạng vi phạm chính sách dân số xảy ra khá phổ biến. Một số người có nguyện vọng được kết nạp Đảng lại "vướng" bởi lý do này." - đồng chí Bí thư chi bộ xóm 10B chia sẻ.
Còn tại Kim Đông - một xã vùng ven biển khác của huyện Kim Sơn, việc phát triển đảng viên luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy địa phương. Trong các năm từ 2015-2020, toàn đảng bộ chỉ kết nạp được 24 đảng viên, không đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã lần thứ IV đề ra.
Ngoài nguyên nhân chính là việc "cạn nguồn" kết nạp đảng, đồng chí Bí thư đảng ủy xã Trần Đức Thuận cũng thẳng thắn nhìn nhận: Nội dung sinh hoạt của các chi bộ, nhất là chi bộ ở xa trung tâm, chi bộ vùng đồng bào có đạo còn khá nghèo nàn, chưa tạo được sự hấp dẫn cũng như chưa phát huy được hết vai trò của đảng viên. Thêm nữa thủ tục hành chính về kết nạp đảng có nơi, có lúc còn máy móc…
Theo đồng chí Nguyễn Minh Điệu, Phó Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy, mặc dù mỗi năm chỉ tiêu kết nạp đảng mà huyện giao cho các xã vùng bãi ngang ven biển (Kim Mỹ, Kim Hải, Cồn Thoi, Kim Đông,…) đều thấp hơn so với các địa phương khác trên địa bàn song việc hoàn thành các chỉ tiêu này khá chật vật. Thậm chí có thời điểm một số đảng bộ xã không thể hoàn thành chỉ tiêu kết nạp mới từ 5-9 đảng viên/năm.
Trong khi đó các đảng viên được kết nạp thường tập trung vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc khối cơ quan, trường học. Tỷ lệ kết nạp đảng viên nông thôn khá thấp. Khan hiếm nguồn đối tượng kết nạp Đảng khiến xu hướng "già hóa" đảng viên ngày một hiện hữu tại các chi bộ vùng ven biển. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn.
"Bên cạnh mặt tích cực của những đảng viên lâu năm như lập trường tư tưởng vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối thì ở các chi bộ vùng ven biển lại đang dần thiếu đi dấu ấn của những người trẻ đó là sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong áp dụng những tư duy mới, tiến bộ KHKT vào sản xuất..."- Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy trăn trở.
Đảng viên trẻ Dương Thị Mỹ Lệ tận tình hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục về hộ tịch. Ảnh: Duy Hiền
Giúp "măng mọc" trước khi "tre già"
Khó khăn trong phát triển đảng viên ở các xã ven biển tại Kim Sơn là điều dễ nhận thấy. Nhưng "cái khó ló cái khôn", có những địa phương, bằng sự quyết tâm, dồn lực và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã dần giải được bài toán "gieo hạt giống đỏ ở vùng đất khó". Trong những điểm sáng đó, cấp ủy địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Giống như nhiều chi bộ nông thôn khác, chi bộ xóm 2, đảng bộ xã Kim Hải từng lâm vào cảnh "già hóa" đảng viên. Nhiều thanh niên trong xóm chọn cách mưu sinh ở những vùng đất mới nên việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên trẻ gặp khó khăn. Đã có thời gian dài, chi bộ gần như chỉ có đảng viên cao tuổi và số lượng đảng viên cũng không nhiều.
Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí bí thư chi bộ vẫn duy trì lịch họp chi bộ đều đặn mỗi tháng 1 lần. Không dừng lại ở việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mỗi cuộc họp đều dành quỹ thời gian đáng kể để bàn bạc, thảo luận những vấn đề cần quan tâm ở địa phương... Đặc biệt, đồng chí bí thư cũng luôn đưa ra gợi ý để tìm giải pháp bồi dưỡng, phát triển đảng viên trẻ.
"Làm thế nào để "măng mọc" trước khi "tre già"? Làm thế nào để phát triển nguồn đảng viên chất lượng? Đó luôn là những trăn trở của chúng tôi. Và giải pháp tiên quyết phải là "đảng viên đi trước" trong mọi công việc lớn nhỏ ở địa phương. Thêm nữa, dù khó tìm nguồn nhưng phải luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, phải tìm được người thực sự xứng đáng để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng"- đồng chí Trần Ngọc Tính, Bí thư Chi bộ xóm 2 chia sẻ.
Biến quyết tâm thành hành động, để tạo nguồn phát triển đảng, Chi bộ giao các đoàn thể thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, tạo sân chơi lành mạnh nhằm thu hút, tập hợp, lựa chọn những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Nhờ đó trong những năm gần đây chi bộ xóm 2 luôn hoàn thành chỉ tiêu phát triển Đảng. Đáng mừng hơn cả, trong số 17 đảng viên hiện nay của chi bộ đa phần là đảng viên trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x. Thậm chí họ còn là những điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Hải khẳng định: Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế biển nên chúng tôi xác định phát triển nông nghiệp thủy sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định thu nhập cho người dân, đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản áp dụng tiến bộ KHKT,phấn đấu đến năm 2025 có trên 60 ha diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh... Những mục tiêu đó bao hàm cả nỗ lực "giữ chân" được những người trẻ, những nhân tố tích cực làm giàu ngay tại địa phương.
Xã chú trọng tổ chức chuyển giao KHKT và mời bà con tham gia để trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho người dân vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển sản xuất… Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả của các bạn trẻ. Và đấy chính là nguồn lực quý để bồi dưỡng, kết nạp Đảng.
Ở một số địa phương khác như đảng bộ Kim Đông hay đảng bộ Kim Mỹ… lại chọn việc đào tạo từ cơ sở và mở rộng đối tượng tạo nguồn (hội viên phụ nữ, nông dân, cựu quân nhân) làm giải pháp trọng tâm. Đồng thời các chi bộ cũng có những giải pháp hỗ trợ cụ thể: với những người có bằng cấp chưa đạt chuẩn theo quy định thì động viên và tạo điều kiện cho họ đi học thêm; với những người chưa có việc làm ổn định thì quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ để họ yên tâm lao động và phấn đấu...
Đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, thời gian qua, công tác phát triển đảng viên ở các xã bãi ngang ven biển được huyện đặc biệt quan tâm với việc tăng cường quán triệt, tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng đến cấp ủy cơ sở. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều có chỉ đạo, phân công các cấp ủy viên phụ trách địa bàn tìm hiểu, tạo điều kiện bồi dưỡng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng. Huyện ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng cho các đảng bộ, trong đó vận dụng linh hoạt các quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng.
Đối với những địa phương có đông đồng bào có đạo, công tác tư tưởng luôn đi trước, linh hoạt, sáng tạo. Cấp ủy, chính quyền giữ mối quan hệ với các chức sắc, chức việc tôn giáo để vận động quần chúng, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào có đạo phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng…