Phạm Thế Hùng sinh năm 1947 trong một gia đình giáo chức tại làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm lên 7 tuổi, Thế Hùng theo cha ra Hà Nội và sớm được học vẽ, học nhạc, khiêu vũ cổ điển... Khi lớn lên, Thế Hùng bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ với chủ đề "Chủ thể sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình" và sau đó được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.
Ngoài là thầy của nhiều thế hệ sinh viên, học viên, Tiến sĩ Phạm Thế Hùng cũng đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực nghệ thuật. Ông là tác giả của 22 đầu sách (trong đó có 6 tập thơ trữ tình) với số lượng xuất bản lớn. Trong số ấy, gần hai chục bài thơ của ông được một số nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Vân, Phan Hùynh Điểu, Thuận Yến... phổ nhạc.
Trong lĩnh vực âm nhạc, Thế Hùng đã sáng tác khoảng 150 ca khúc, được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao. Ở lĩnh vực hội họa, ông đã vẽ khoảng 500 bức tranh trên nhiều chất liệu, từng tổ chức triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, được công chúng trong và ngoài nước sưu tầm. Năm 2021, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng tôn vinh với nội dung: Tiến sĩ mỹ học có những đóng góp quan trọng và tạo nhiều dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và sáng tạo văn hóa-nghệ thuật tại Việt Nam.
Đánh giá về tài năng của Tiến sĩ Phạm Thế Hùng, họa sĩ Lê Đại Chúc cho hay: "Điều tôi rất nể ở Thế Hùng là sức lao động lớn về nghệ thuật trong suốt 50 năm qua. Sức lao động ấy không phải ai cũng có được. Cái khó của người nghệ sĩ là giữ được ngọn lửa đam mê. Với Thế Hùng, ngọn lửa ấy không những được ông lưu giữ mà nó càng ngày càng mạnh hơn. Ngoài ra, nhiều người hỏi tôi rằng, Thế Hùng làm nhiều thứ quá, không biết có hay không.
Với tôi, Thế Hùng hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và đều làm tốt. Đó là điều hiếm". Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Hiếu nhận xét: "Thơ, nhạc, họa của Thế Hùng đều hay cả. Với tôi, tranh của Thế Hùng rất đẹp, ông ấy nhảy cũng rất hay. Thế Hùng nhìn bề ngoài thi hào hoa nhưng anh ấy là gã nông trên cánh đồng nghệ thuật. Anh ấy làm việc hơn chúng ta rất nhiều. Vì thế, anh ấy kiếm tiền về nghệ thuật cũng nhiều".
Sau 50 năm gắn bó với nghệ thuật, mới đây, Tiến sĩ Phạm Thế Hùng đã ra mắt "Tuyển tập Thế Hùng 2", (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022), dày 750 trang, với 7 phần, gồm: 75 bài thơ đã đăng báo; 75 ca khúc đã phát; 75 bức tranh; 75 bài phê bình nghệ thuật đã đăng báo; 75 bài báo viết về ông; 75 ảnh tư liệu về Thế Hùng với các văn nghệ sĩ nổi tiếng, đồng nghiệp, bạn bè và 75 bức tranh của các thành viên Trung tâm Mỹ thuật Thế Hùng. Dù đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng hằng ngày, Thế Hùng vẫn dậy từ 5 giờ sáng để ngồi vẽ, dành nhiều thời gian để đánh đàn và viết nhạc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Tiến sĩ Phạm Thế Hùng tự hào rằng bản thân có thể sống đàng hoàng khi theo nghệ thuật, bởi không chỉ bán tranh, ông còn nhận giảng dạy về mỹ học cho các trường đại học, các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Tiến sĩ Phạm Thế Hùng cho biết: "Về thơ, tôi tâm đắc nhất bài "Romance 1". Về nhạc, tôi có 3 ca khúc đáng nhớ là "Mùa xuân quan họ", "Tình khúc mùa hè", "Em có về Tam Cốc". Về hội họa, tôi tự hào có nhiều bức họa được một số đại sứ quán sưu tầm. Sau "Tuyển tập Thế Hùng 2", tôi sẽ cố gắng để sớm ra mắt "Tuyển tập Thế Hùng 3".
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG (theo qdnd.vn)