Tuy chưa đạt chuẩn nông thôn mới, song diện mạo xã Yên Thành đã từng ngày khởi sắc. Ông Trần Văn Thủy, thôn Trại Đanh cho biết: Vẫn là làm nông nghiệp, nhưng trước đây không có kiến thức khoa học kỹ thuật, chưa tiếp cận được nhu cầu thị trường nên gia đình chỉ trồng lúa để ăn, còn thừa mới bán ở chợ nên thu nhập không đáng kể.
Nhưng nay, qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt của HTX và các đoàn thể, gia đình đã chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả. Với 6 sào trồng ổi, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng. Gia đình ông Thủy không phải là cá biệt, nhiều nông dân khác của thôn Trại Đanh, thôn Đoài của xã Yên Thành đã chuyển đổi nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản, mô hình lúa.
Ông Trần Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: Đến nay toàn xã đã có 170 hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 60 ha. Trong đó có 153 hộ thực hiện mô hình lúa - cá, diện tích 53 ha; 13 hộ thực hiện mô hình chuối - cá, diện tích 6 ha; 4 hộ trồng ổi diện tích hơn 2 ha.
Diện tích chuyển đổi bước đầu đã cho thu hoạch, giá trị ước đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với cấy lúa và trồng các cây màu truyền thống. Nhằm nâng cao hiệu quả trồng lúa, xã cũng chủ trương mở rộng diện tích gieo lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa thuần có chất lượng gạo khá, giảm diện tích lúa lai.
Bên cạnh đó, diện tích trồng cây màu cũng được mở rộng, được lựa chọn các giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.
Vụ hè thu năm 2017, HTX Liên Thành (xã Yên Thành) đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đậu xanh giống mới ĐXVN 07 với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, với diện tích 2,7 ha.
Vụ hè thu năm 2018, UBND xã đã triển khai mô hình canh tác 4 vụ tại thôn Tiên Dương và thôn Bạch Liên với diện tích 7,2 ha theo công thức luân canh đậu xanh ĐXVN 07 - lạc đông - khoai tây đông xuân - ngô xuân hè. Đặc biệt, sau khi hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được quy hoạch và cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới thì việc tổ chức xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất hàng hóa rất thuận lợi.
Xã Yên Thành đã vận động nhân dân chuyển đổi từ phương thức gieo mạ cấy lúa sang gieo thẳng lúa, nhằm giảm chi phí sản xuất, chủ động thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vụ đông xuân năm 2018, diện tích lúa gieo thẳng của xã đạt hơn 85%.
Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay có trên 80% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy... Những giải pháp phát triển trồng trọt của xã Yên Thành đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nâng giá trị sản xuất bình quân năm 2018 đạt hơn 98 triệu đồng/ha đất canh tác.
Chăn nuôi ở Yên Thành đang có sự chuyển biến tích cực nhờ địa phương tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn cho nông dân và quy hoạch vùng chuyển đổi chăn nuôi tập trung từ đất cấy lúa kém hiệu quả. Toàn xã có 12 hộ đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp: bò, lợn, gia cầm, thủy sản với doanh thu hàng năm trên 300 triệu đến 1 tỷ đồng.
Ông Vũ Thanh Nghị, chủ trang trại ở thôn Lộc (xã Yên Thành) chia sẻ: Đàn lợn của gia đình có quy mô 50 con lợn nái, từ 130-150 con lợn thịt/lứa. Hệ thống chuồng trại khép kín, làm mát không khí, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, nhân dân địa phương cũng tập trung cải tạo diện tích ao, hồ, thùng đấu, diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả để nuôi thủy sản. Hàng năm, sản lượng cá thu được từ 25 tấn, bình quân đạt 190 triệu đồng/ha. Một số hộ nuôi ốc nhồi, ốc hột, ba ba, cá chuối tuy diện tích chưa nhiều nhưng đã có hiệu quả cao. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt gần 6 tỷ đồng.
Nhờ phát triển kinh tế một cách toàn diện, đến nay, bình quân thu nhập đầu người xã Yên Thành đạt 39 triệu đồng/năm, tăng 7 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2017. Chủ tịch UBND xã Yên Thành Trần Đình Chiến cho biết: Năm 2019, xã quyết tâm hoàn thành nốt 2 tiêu chí còn lại. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được
Bài, ảnh: Thái Học