Đồng chí Phạm Văn Chữ, Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Thành cho biết, xác định việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, những năm qua, Hội nông dân xã đã làm tốt công tác nhận nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho hội viên vay, đặc biệt là hỗ trợ nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Hội đã đạt trên 2,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo là 520 triệu đồng, chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 1,128 tỷ đồng, chương trình học sinh, sinh viên là 467 triệu đồng...
Trong quá trình nhận vốn vay ủy thác cho hội viên, Hội nông dân xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình cho vay từ bình xét, giải ngân đến thu hồi nợ, lãi. Hội cũng tăng cường phối hợp với các đoàn thể của xã rà soát danh sách hộ nghèo, bình xét các hộ được vay vốn nhằm đảm bảo nguồn vốn được đưa đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh tình trạng chồng chéo. Hàng năm, Hội phối hợp với NHCSXH huyện kiểm tra, rà soát các tổ vay vốn và các hộ vay, qua đó phát hiện sai sót để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh, giúp quản lý tài sản an toàn và hiệu quả.
Để hoạt động ủy thác đạt kết quả cao, Hội đã tích cực tuyên truyền về các chương trình cho vay vốn đến hội viên và bà con; tổ chức tập huấn cho tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao nhận thức và nghiệp vụ trong việc quản lý nguồn vốn vay. Bằng các giải pháp tích cực đó, nguồn vốn ủy thác của NHCSXH huyện thực sự là cầu nối giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường; vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đồng vốn vay của NHCSXH, các hộ nông dân đã có vốn để mua trâu, bò, lợn, các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp hoặc đầu tư phát triển ngành nghề. Qua đó giúp cho hàng trăm hộ nghèo, các chủ dự án vay vốn giải quyết việc làm, thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Vũ Quốc Doanh, Chi hội nông dân thôn Lộc cho biết, trước năm 2007, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong xã, cuộc sống rất chật vật. Được sự quan tâm của Hội nông dân xã, gia đình anh được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo từ NHCSXH huyện Yên Mô. Từ số tiền đó, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi ngan và gà giống. Qua các lớp tập huấn, anh học được kỹ thuật chăn nuôi từ chuẩn bị chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, đến chăm sóc gia cầm. Đến nay, gia đình anh đã có 200 con ngan đẻ và hàng nghìn con gà giống, cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng.
Giống như anh Doanh, anh Lương Xuân Thu cũng là điển hình tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Vốn là công nhân Xí nghiệp vôi Yên Thành về mất sức, đầu năm 2008 anh được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng để phát triển mô hình trồng nấm. Từ số tiền ban đầu đó, anh đã đầu tư xây dựng 70 m2 lán trại và mua giống tại huyện Yên Khánh. Bên cạnh được vay vốn ưu đãi anh còn được Hội nông dân xã hỗ trợ học nghề và chuyển giao KHKT. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, vụ nấm đầu tiên đã đạt thành công bước đầu. Đưa chúng tôi đi thăm quan khu lán trại trồng nấm rơm, anh Thu vui vẻ tâm sự: "Chỉ với 70 m2 thôi nhưng năm qua tôi đã thu được hơn 10 triệu đồng tiền lãi nhờ làm nấm, sản phẩm chính của gia đình là các loại nấm mỡ, nấm sò. Hiện nay, gia đình tôi đang đề nghị NHCSXH huyện cho vay tiếp 30 triệu đồng để mở rộng quy mô, từng bước đưa nghề nấm trở thành nghề cho thu nhập cao ở xã".
Mặc dù đã đạt được những kết quả trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, song hiện nay Yên Thành vẫn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao cần được hỗ trợ của Nhà nước, nhất là vốn ưu đãi để sản xuất và phổ biến, hướng dẫn KHKT, kinh nghiệm làm ăn. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh việc giúp hội viên nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội nông dân xã sẽ đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác giúp cho người nông dân có thêm nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: Quốc Khang