Yên Thành khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản
Thứ Năm, 24/11/2022, 09:02
Zalo
Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa tập trung, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Yên Thành (huyện Yên Mô) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi thả thủy sản.
Yên Thành khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản
Trong quá trình chuyển đổi sang nuôi thả cá, các hộ gia đình đã nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã về nguồn vốn vay; chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập Tổ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau về kinh nghiệm nuôi thả, chăm sóc, tiêu thụ, từ đó cho những vụ cá thành công, mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đó.
Sau khi thu hoạch được hơn chục tấn cá lóc thương phẩm trên diện tích ao nuôi hơn 1.000 m2 mặt nước, với giá bán 55 nghìn đồng/kg, cho thu lãi vài chục triệu đồng, gia đình ông Phạm Văn Đông, thôn Kênh, xã Yên Thành chuyển trọng tâm sang chăm sóc cho ao cá khác, dự kiến sau hơn một tháng sẽ tiếp tục cho thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm nữa.
Ông Phạm Văn Đông cho biết, từ năm 2018, gia đình ông thực hiện dồn điền đổi thửa số diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang nuôi thả cá. Ông đã nhận thuê gần 4.000 m2 diện tích và đào ao để thả cá. Ông đã tìm hiểu và học hỏi phương pháp nuôi thả mới bằng hình thức nuôi cá trên ao nổi, sử dụng bạt để căng toàn bộ ao, từ đáy ao đến xung quanh bờ.
"Việc đầu tư ban đầu cho ao nổi sẽ cao hơn so với đào ao truyền thống nhưng khi sử dụng hình thức nuôi này cho hiệu quả rất tốt. Bởi căng bạt toàn bộ ao nuôi không chỉ tiện lợi cho việc vệ sinh ao nuôi, xử lý đáy ao, bờ ao, thay nước, đảm bảo vệ sinh môi trường mỗi lần kết thúc vụ nuôi thả, mà còn làm ấm nước khi thời tiết thay đổi bất thường, không làm cá nhiễm lạnh, mắc bệnh hoặc chết..." - ông Phạm Văn Đông chia sẻ.
Với việc đầu tư theo hình thức nuôi thả mới, mô hình nuôi cá lóc của gia đình ông Phạm Văn Đông cho hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích gần 4.000 m2 mặt nước ông phân thành các ao nuôi và ao dự trữ nước. Trên diện tích gần 3.000 m2 của 2 ao thả cá, ông Đông chủ yếu nuôi cá lóc (loại cá sộp đầu to). Đây là loại cá dễ nuôi, có sức đề kháng tốt và ăn tạp, phù hợp với hình thức nuôi quy mô nhỏ. Mỗi năm, gia đình ông Đông thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm, trừ chi phí các loại, thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Rắc vôi bột khử khuẩn ao nuôi trước khi vào vụ mới.
Theo ông Đông, so với hình thức nuôi cá truyền thống thì hình thức nuôi thả cá trên ao nổi căng bạt cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 4 lần. Đồng thời, sự bền vững của bờ ao, đáy ao do được phủ lớp bạt bảo vệ cũng cao hơn so với việc để tự nhiên.
Hơn nữa, vào thời điểm tháng 10, 11, lúc này khí hậu miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh, việc nuôi cá lóc tại các ao truyền thống sẽ khó cho hiệu quả cao do nước lạnh cá không chịu được. Còn đối với ao nổi, có thể bơm thêm nước đệm để làm ấm môi trường nước cho cá phát triển.
Một năm chỉ cần nuôi 2 vụ cá, kết thúc vụ thu hoạch trước khi mùa đông lạnh đến vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa hoặc các vật nuôi khác trên cùng diện tích canh tác.
Với gia đình bà Lương Thị Khuyên, cũng nhờ vào nuôi thả cá trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định, có năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ đó có điều kiện tái thả cá cho các vụ nuôi sau và chủ động được nguồn cá giống bằng tự nhân giống tại ao nuôi gia đình.
Bà Khuyên cho biết, gia đình bà có 2 ao nuôi, với khoảng gần 2.000 m2 mặt nước. Đến nay, gia đình bà đã có 5 năm thực hiện mô hình nuôi cá lóc. Tuy có vụ thắng, vụ thua nhưng qua hạch toán kinh tế, nguồn thu nhập từ nuôi cá đều cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Đặc biệt, vốn quen và có kinh nghiệm trong nuôi thả cá, nên sau mỗi vụ năng suất cá không đạt cao như mong muốn, gia đình bà lại đúc rút kinh nghiệm cho vụ nuôi thả mới, để có được vụ nuôi đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Lương Văn Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thành (huyện Yên Mô) cho biết: Hiện xã Yên Thành có hơn 40 ha được chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Các con nuôi được người dân tập trung nuôi thả là cá lóc, cá trắm cỏ, cá chép... Qua đánh giá, thu nhập trung bình của các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã Yên Thành vào khoảng 200 triệu đồng/năm.
Để giúp các hộ nuôi thả thủy sản thêm điều kiện phát triển, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ các thủ tục để thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi thả thủy sản với hàng chục hộ tham gia. Những người tham gia Tổ hội này được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao KHKT, trao đổi kinh nghiệm nuôi thả thủy sản với các hộ nuôi trong và ngoài huyện...
Vừa qua, Tổ hội nghề nghiệp đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho vay 350 triệu đồng. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể địa phương cũng đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hội viên vay vốn, trong đó có hội viên nông dân, dư nợ đến nay đạt gần 35 tỷ đồng.
Để tiếp tục đồng hành với các hộ nuôi thả thủy sản trên địa bàn xã, thời gian tới, Hội Nông dân xã Yên Thành tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi về nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận các kỹ thuật mới, giới thiệu nguồn con giống chất lượng, tìm kiếm đầu ra ổn định..., giúp các hộ nuôi thả thủy sản trên địa bàn tự tin, tiếp tục đầu tư chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.