Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM, xã mới hoàn thành được 5/19 tiêu chí là: điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa và an ninh trật tự. Một số tiêu chí khó thực hiện là: chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, mức thu nhập người dân… Nhận thức rõ những khó khăn phải giải quyết trong thực hiện XD NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định cần phải lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với công tác giảm nghèo để từ đó tạo tiền đề làm chuyển biến trong việc thực hiện các tiêu chí khác như: nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, cơ sở hạ tầng... Ban chỉ đạo công tác giảm nghèo của xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể cùng vào cuộc để giúp đỡ hộ nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác giảm nghèo, các đoàn thể của xã đã đi đầu trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên và bà con nông dân.
Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Với vai trò, nhiệm vụ giúp đỡ hội viên, nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, nhất là nâng cao thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh hoạt động chuyển giao KHKT, mở các lớp dạy nghề cho hội viên, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả như: mô hình nuôi nhím của 6 hộ gia đình, mô hình làm trang trại nấm của 2 hội viên, mô hình chăn nuôi gia cầm với 30.000 con, 500 trâu bò, mô hình nuôi chim bồ câu...
Đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo trong toàn Hội chỉ còn 10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo của xã. Các mô hình kinh tế của Hội Nông dân hiện đang từng bước nhân ra diện rộng. Xã có trên 530 ha đất nông nghiệp, hiện nay tập trung đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào gieo cấy, chiếm 60% diện tích. Bên cạnh đó, diện tích cây màu được chuyển sang những cây trồng có giá trị như: lạc, ngô, đậu tương, rau màu các loại…, sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường. Do đó, giá trị trên 1 ha canh tác năm 2011 đạt 90, 6 triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm được đẩy mạnh. Tuy không có các quy mô chăn nuôi lớn theo kiểu trang trại nhưng ở quy mô gia đình, xã đã phát triển được trên 500 con trâu, bò, gần 30.000 con gia cầm. Các con nuôi đặc sản có giá trị cao như: nhím, chim bồ câu, dê bách thảo… đang được các hộ nông dân phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, dần nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, các nghề tiểu thủ công nghiệp như: thêu ren, may, đan cói, làm gốm đang thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 500-600 lao động lúc nông nhàn. Từ các ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt gần 10 triệu đồng /người /năm.
Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giảm nghèo thì con đường giảm nghèo của xã Yên Thành còn hết sức gian nan bởi nếu chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề phát triển chưa đồng đều thì rất khó để đạt được mục tiêu mỗi năm giảm từ 2,5- 3% hộ nghèo trở lên. Chưa kể số hộ tái nghèo hàng năm sẽ là nguy cơ cao vì sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Cùng với nỗ lực vượt khó của địa phương, Yên Thành luôn cần sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, của tỉnh để hoàn thành được tiêu chí về XD NTM theo đúng lộ trình đã đề ra.
Lý Nhân