Xã Yên Thắng được chọn là một trong những xã điểm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Mô và của tỉnh. Hơn 3 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung mọi nỗ lực về tinh thần, vật chất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí theo quy định. Công việc đầu tiên mà xã Yên Thắng triển khai thực hiện là rà soát lại thực trạng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, so sánh, đánh giá với bộ 19 tiêu chí của Trung ương để xây dựng kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh giúp mọi người dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của chủ trương xây dựng nông thôn mới cũng như phương châm, cơ chế thực hiện. Nhờ đó, hầu hết cán bộ, nhân dân trong xã đều đồng lòng chung sức ủng hộ chủ trương thiết thực này và khi nhân dân đã đồng thuận thì việc huy động nguồn lực không còn là chuyện khó. Ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng đường giao thông, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng; tự nguyện tháo dỡ tường bao, bàn giao hàng trăm mét vuông đất cho đơn vị thi công và đóng góp nhiều ngày công lao động. Vì vậy, đến nay 100% đường giao thông của xã đã được đổ nhựa và bê tông đạt tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông-Vận tải. Năm 2013, thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, nhân dân cũng đã đóng góp 22,4 ha ruộng và 3,2 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng gồm 127 tuyến đường với chiều dài 32,5 km và 141 tuyến mương với chiều dài 34,2 km. Trong thời gian qua, Yên Thắng còn tập trung cho công tác rà soát chi tiết về tiêu chí nhà ở dân cư nông thôn. Trong 2 năm 2012-2014 đã tiến hành thi công xóa 13 nhà dột nát với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng, xây mới, cải tạo nâng cấp 400 nhà, nâng tổng số nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng lên 95%. Ngoài ra, xã Yên Thắng còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường học, sân vận động xã, nhà văn hóa ở các thôn và nhiều công trình phúc lợi khác.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xã Yên Thắng còn ưu tiên thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, đào tạo nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động. Năm 2013, xã đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, trước đây mỗi hộ có từ 4-5 thửa, đến nay chỉ còn 1,99 thửa/hộ, do đó tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày một tăng, mô hình lúa gieo vãi được mở rộng, nhiều diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả được chuyển sang mô hình lúa-cá. Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp công nghiệp tại các vùng tập trung theo quy hoạch; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân đầu tư mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, đưa các con vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Năm 2013, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác của xã đạt 94,2 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,64%. Nếu như thời điểm cuối năm 2010, xã chỉ đạt 6 tiêu chí so với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì đến hết năm 2013, đã có thêm 9 tiêu chí được huyện công nhận chuẩn, đó là các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, trường học, giáo dục, môi trường, nâng tổng số tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Yên Thắng đạt được là 15/19 tiêu chí. Hiện nay, xã còn 4 tiêu chí chưa đạt là: Điện, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Yên Thắng đang nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai các chương trình, thu hút đầu tư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Phạm Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng cho biết: Cùng với việc duy trì, giữ vững, phát triển 15 tiêu chí đã đạt, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, từ đó huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Cụ thể, để thực hiện tiêu chí về thu nhập, Yên Thắng tập trung cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có hiệu quả vào sản xuất như mô hình lúa gieo vãi, chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa-cá lên khoảng 80 ha.
Đồng thời xây dựng vùng trồng rau chuyên canh khoảng 20 ha tại khu vực Đồng Quan, La Con, Cây Dụt. Phấn đấu tăng tổng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp lên 15-20%. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo xây dựng, phát triển các nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; mở rộng hoạt động thương mại, dịch vụ. Phấn đấu cuối năm 2014, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 20,4 triệu đồng/năm. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hiện nay xã đang tiến hành xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã, đồng thời chỉ đạo các thôn chỉnh trang lại khuôn viên các nhà văn hóa thôn, riêng 2 nhà văn hóa thôn Quảng Thượng và Vân Hạ đang được thi công với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng, phấn đấu đến tháng 6-2014 sẽ hoàn thành.
Riêng tiêu chí điện, theo thông báo của ngành điện năm 2014 Yên Thắng là 1 trong 4 xã được ngành điện đưa vào dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Về tiêu chí chợ nông thôn, xã đang phối hợp với các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các tiêu chí còn lại là những tiêu chí đòi hỏi có kinh phí lớn, thời gian dài, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo xã, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, Yên Thắng quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2014.
Bài, ảnh: Hà Phương