Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại là: cơ sở vật chất văn hóa, điện, chợ và thu nhập. Trong đó, việc thực hiện tiêu chí về thu nhập đang được xã đẩy mạnh thông qua việc vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp...
Những năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở Yên Thắng đã có những chuyển biến tích cực. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng: Năm 2013 là 21,5 triệu đồng/năm, năm 2014 là 23 triệu đồng/năm. So với các xã vùng nông thôn, đây là mức thu nhập khá nhưng so với tiêu chí nông thôn mới thì chưa đạt. Do đó, để hoàn thành tiêu chí về thu nhập, xã đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực phù hợp với thực tế của địa phương.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu về từng mô hình: Nào là vùng sản xuất đa canh với diện tích 20 ha; mô hình chuyên canh rau sạch 10 ha ở khu vực Khai Khẩn; mô hình chăn nuôi tổng hợp 25 ha với các loại con nuôi, cây trồng như: gà, vịt, trâu, bò, cá, ổi găng... Đặc biệt, việc chuyển đổi mô hình lúa + cá nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân vì hiệu quả kinh tế của mô hình. Từ 62 ha khi triển khai ban đầu, hiện nay diện tích lúa + cá đã tăng lên 92 ha, là nguồn thu nhập khá cho người dân và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đến thăm một số mô hình giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã, đồng chí Phó Chủ tịch Hội cho biết: Những năm gần đây, các mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ đã tăng lên gần 50 mô hình lớn và trên 200 mô hình vừa và nhỏ, góp phần tích cực trong thực hiện chủ trương của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi. Hiện tỷ lệ hội viên khá, giàu đạt trên 75%, hàng năm Hội Phụ nữ xã đã giúp từ 2-3 hộ hội viên thoát nghèo...
Cùng với những chuyển biến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Yên Thắng đã đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, thương mại, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Xã có 2 chợ là chợ Tu và 1 chợ cuối xã với gần 600 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán, là nơi trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thu hút cả người dân các xã lân cận. Trên địa bàn xã có 4-5 tổ hợp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp, sản xuất gạch, thêu ren... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bên cạnh đó, những lúc nông nhàn, nhiều lao động ở xã, nhất là lao động nam giới đã tích cực, chủ động đi tìm kiếm việc làm thời vụ tại các doanh nghiệp, tổ hợp ở trong và ngoài tỉnh, góp phần có thêm thu nhập cho gia đình.
Với các giải pháp tích cực trong thực hiện tiêu chí thu nhập, xã Yên Thắng phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ đạt tiêu chí về thu nhập với mức 26 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 2,64% xuống còn 2,5%.
Lý Nhân