Chúng tôi về thăm Yên Thắng vào những ngày đầu tháng 6, cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này. Những con đường đang được mở rộng, thẳng tắp đi qua những cánh đồng, thôn xóm; hệ thống thủy lợi đã và đang được xây dựng kiên cố, những trạm biến áp điện, trường học, chợ, nhà trẻ, trạm y tế... được xây mới và cải tạo tốt hơn. Điều đặc biệt là tồn tại song song với một Yên Thắng "đô thị" vẫn thấy một Yên Thắng cổ kính với cây đa, giếng nước rồi những hàng cọ, cây mai, cây tùng, cây đại, cây bàng... hàng trăm năm nay vẫn được người dân giữ gìn như tài sản vô giá của cả cộng đồng.
Ông Lưu Đắc Hiếu, một người dân thôn Vân Hạ cho biết: Tôi không thích thay những hàng rào cây găng, cây trúc bằng hàng rào bê tông. Vì hàng rào cây xanh phù hợp với cảnh nông thôn hơn. Do vậy, trong quá trình cải tạo nhà cửa, gia đình tôi cố gắng giữ gìn hàng cây trước nhà. Hàng năm tôi cùng các cụ cao tuổi đều tổ chức trồng và chăm sóc cây ở các đình chùa, nơi công cộng, vừa là tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, vừa là tạo bóng mát cho các cháu vui chơi.
Được biết hiện nay Yên Thắng vẫn còn giữ được một hệ thống các đền, chùa, miếu cổ khá nguyên vẹn. Đơn cử như đền Núi Hầu thờ vị thần Cao Sơn Đại Vương chính là Lạc Tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân; đền Năn thờ 5 vị thần thời vua Hùng Vương thứ 6 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp nhà nước. Không chỉ biểu hiện ở các di tích văn hóa vật thể, dấu ấn văn hóa truyền thống ở đây còn in đậm ở những tên đất, tên làng: thôn Quảng Thượng, Vân Hạ, chợ Tu... Đặc biệt những năm gần đây, hội làng được địa phương phát triển nở rộ theo tinh thần bảo lưu, kế thừa những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa riêng của quê hương. Nhờ đó công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và những nét bản sắc văn hóa độc đáo của từng làng, thôn được khơi dậy, phát huy.
Ông Đinh Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Thực tế, trong bộ tiêu chí và hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và nét đặc thù của từng vùng miền đã được nêu rõ. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương rất chú ý đến vấn đề này. Trong quá trình cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, xã đã chỉ đạo các thôn, xóm giữ gìn nét văn hóa làng quê tránh việc chặt phá cây xanh, nhất là các cây cổ thụ. Hiện nay 100% các hộ dân trong xã đã được sử dụng nước sạch nhưng các giếng và ao làng vẫn được giữ lại vừa tạo không khí trong lành vừa là nơi nghỉ ngơi, vui chơi của cộng đồng. Xác định cây xanh đóng vai trò hết sức quan trọng, chính quyền xã đã chọn cây cọ là cây trồng đặc trưng của Yên Thắng để phục dựng trồng mới trên các tuyến đường chính của xã. Mới đây nhất Hội Cựu chiến binh xã đã đứng ra trồng gần 1.000 cây cọ trên tuyến đường 2,2 km kéo dài từ cầu Tu mới lên đê Yên Thắng. Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, sân vui chơi cho trẻ em, bưu điện văn hóa xã thời gian qua cũng được Yên Thắng quan tâm đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi có nơi sinh hoạt văn hóa.
Những giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể hình thành bao đời nay ở Yên Thắng nay đã được Đảng bộ và nhân dân trong xã gìn giữ, tôn tạo, phục dựng để chính những giá trị văn hóa ấy trở thành động lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hà Phương