Hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ sát sao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, Đảng bộ xã Yên Thái đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cụ thể, thiết thực để lãnh đạo công tác giảm nghèo ở cơ sở với quan điểm: Huy động cả hệ thống chính trị cùng "vào cuộc".
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Sen, một hộ nghèo ở xóm Dầu, chúng tôi bắt gặp không khí lao động sôi nổi của nhiều phụ nữ trong xóm vừa đan bèo bồng vừa trò chuyện. Qua lời giới thiệu của chị cán bộ Hội phụ nữ xã, được biết: Chị Sen nhiều năm liền là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi một mình chị vất vả làm lụng để lo cho người chồng bị bệnh tâm thần hơn 20 năm nay và 3 đứa con. Suốt năm, suốt tháng hết làm ruộng, chăn nuôi mà gia đình chị không sao thoát nghèo. Khi Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy được triển khai về cơ sở, gia đình chị Sen là 1 trong những hộ gia đình nghèo ở xã Yên Thái được hỗ trợ các điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Chị Sen đã chọn lớp học đan bèo bồng với mong muốn có thêm nghề phụ trong tay, kiếm "đồng ra đồng vào".
Sau 2 tháng học nghề do Hội phụ nữ xã đứng ra tổ chức cho hội viên, chị Sen được Hội phụ nữ và doanh nghiệp phối hợp đưa nghề về địa phương quan tâm giúp đỡ bằng cách giao cho chị làm một tổ hợp nhỏ, chuyên nhận nguyên liệu, mẫu mã về cung cấp cho người dân trong thôn cùng làm. Với cách này, tổ hợp của chị Sen đã trở thành "đại lý" cung cấp nguyên liệu, truyền đạt các mẫu mã mới mà thị trường yêu cầu cho hơn 20 phụ nữ trong xóm Dầu. Tuy tổ hợp mới hoạt động từ đầu năm đến nay, nhưng với thu nhập ổn định và việc làm thường xuyên đã khiến ước mơ thoát nghèo của gia đình chị Sen không còn xa nữa...
Nét nổi bật của Hội phụ nữ xã Yên Thái năm qua trong thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy là đã phát động phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, giảm nghèo sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên tham gia cùng giúp đỡ hội viên nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong năm 2008, Hội đã mở 2 lớp dạy nghề đan bèo bồng, cói cho hội viên phụ nữ, giúp đỡ 263 ngày công tham gia xóa nhà dột nát, giúp lúc mùa vụ cho hộ nghèo, tạo vốn cho 423 hội viên vay phát triển các mô hình kinh tế với 900 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
Theo đồng chí Đào Xuân Ái, Phó Chủ tịch UBND xã, cùng với Hội phụ nữ, các đoàn thể khác như: Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh đã tham gia công tác giảm nghèo với nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm của từng đoàn thể và góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo của xã. Tại 13 chi bộ thôn, xóm, nhiệm vụ giúp hộ nghèo được cấp ủy phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí đảng viên phụ trách hộ.
Bên cạnh đó, Yên Thái đã làm tốt công tác phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp để dạy nghề, tạo việc làm cho người dân. Từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng chợ cầu Hội sang làm xưởng may công nghiệp cho Công ty may Vĩnh Oanh (Nam Định) đã thu hút 180 lao động, trong đó có khoảng 120 lao động ở xã vào làm việc với thu nhập ổn định từ 800.000 - 900.000 đồng/người/tháng.
Phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Xuân Tình mở các lớp dạy nghề đan bèo bồng, cói cho 150 lao động, trong đó có 60 lao động là hộ nghèo... đã góp phần giải quyết việc làm từ nghề tiểu thủ công nghiệp cho khoảng 600 lao động địa phương... Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 13,63%, giảm so với năm trước là 1,77%. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Yên Thái phấn đấu mỗi năm giúp đỡ từ 5 - 10 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 10%.
Bài, ảnh: Bùi Diệu