Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế của ông Trương Ngọc Ánh, xóm Đông Lộc, xã Yên Nhân. Nhìn vườn cây Thanh long xanh mướt đang ra nụ và đơm hoa cho vụ mới, ông ánh tự hào cho biết: Từ khi đưa cây trồng mới về canh tác, kinh tế của gia đình ông ngày một phát triển.
Trước đây, toàn bộ diện tích đất vườn gần 1 sào chỉ để trồng rau chăn nuôi và phục vụ gia đình. Mọi chi phí, sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Nhưng cấy lúa cũng như "đánh bạc với ông trời", mưa thuận, gió hòa thì được mùa, bất thuận thì mất mùa.
Cách đây 5 năm, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, ông đã tìm hiểu về cây Thanh long. Với quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo, ông vào tận Bình Thuận tìm giống và học hỏi kinh nghiệm trồng, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa về đồng đất Yên Nhân. Thời gian đầu ông dựng 60 cột xi măng để trồng cây Thanh long đỏ và trắng.
Sau một thời gian cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên ở nơi đây, sinh trưởng, phát triển tốt và cây đã không phụ lòng người trồng, cho những trái ngọt đầu tiên. Chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật nên cây cho quả đều và mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Thấy đây là cây trồng có tiềm năng phát triển hơn nữa, ông tiếp tục dựng thêm cột xi măng để nhân rộng. Ông đã tận dụng tất cả diện tích có thể, kể cả bờ ao và đến nay gia đình ông có hơn 100 cột trồng cây Thanh long.
Về kỹ thuật trồng và hiệu quả của giống cây này, ông ánh cho biết thêm: Cây Thanh long trồng, chăm sóc rất đơn giản, người trồng chỉ cần đổ cột xi măng cao 2,4m và chôn sâu khoảng 50 phân rồi trồng cây; bón phân NPK ở đầu vụ và kali khi cây ra nụ để quả chắc, ngọt và bóng sáng.
Ngoài ra, một trong những ưu điểm lớn của cây là trồng 1 lần, cho thu hoạch được tới 11 năm liên tục và thời điểm thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Sau khi thu hoạch xong, bắt đầu tiến hành đốn, tỉa cành và chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển trong vụ mới. Cây Thanh long là cây cho hiệu quả kinh tế rất cao, cao hơn vài chục lần so với cấy lúa.
Ông ước tính, năm nào thấp nhất cây cũng cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, nếu có đất nhân rộng mô hình thì trồng cây Thanh long có thể mang về vài trăm triệu đồng/năm.
Được biết, cây Thanh long là một trong những mô hình kinh tế có hiệu quả mà xã Yên Nhân đang khuyến khích người dân nhân rộng để nâng cao thu nhập.
Nói về giải pháp thực hiện tiêu chí thu nhập, ông Nguyễn Văn Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển ngành nghề như nghề mộc, nhưng Yên Nhân lại có địa bàn rộng, đông dân cư nhất huyện nên việc nâng cao thu nhập đồng đều cho người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, xã cũng xác định thu nhập được coi là tiêu chí "cốt lõi", tạo đòn bẩy thực hiện các tiêu chí khác bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.
Do đó, ngay từ những năm đầu triển khai xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo các hướng.
Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Nhân đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Khuyến khích thực hiện các mô hình nông nghiệp có hiệu quả như mô hình trang trại tổng hợp, mô hình trồng cây Thanh long, trồng nấm...; đầu tư vùng giống lúa chất lượng cao. Địa phương cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Năm 2013, Yên Nhân thực hiện thành công việc chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Xã cũng chỉ đạo các hội, đoàn thể và HTX hướng dẫn cho bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Do đó, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng tích cực, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 95,7 triệu đồng/ha.
Cùng với đó, địa phương khuyến khích phát triển ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, nhất là nghề thợ nề đã được công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh.
Hiện nay hầu như hộ nào cũng có nhân lực tham gia làm thợ nề với các công trình ở khắp nơi, kể cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nghề thợ nề có thu nhập cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập toàn xã.
Xã cũng tạo mọi điều kiện về pháp lý để các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn được được vay vốn từ Ngân hàng nông nghiệp & PTNT, có đất để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Với những giải pháp đồng bộ nên kinh tế của xã liên tục phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt cao, ước đạt trên 30 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2016.
Yên Nhân hôm nay đã có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng khang trang, đường làng ngõ xóm được trải bê tông sạch sẽ, rộng rãi, kinh tế khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đó là những dấu ấn sâu sắc mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực hiện trong thời gian qua tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.
Hồng Giang