Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, chúng tôi về xã Yên Thái đúng vào dịp người nông dân đang tập trung nhân lực thu hoạch khoai tây vụ đông xuân. Từ xa, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tấp nập, khẩn trương người cuốc, người nhặt củ, người vận chuyển khoai tây lên bờ cân cho công ty thu mua. Trong niềm vui, phấn khởi được mùa, hầu hết bà con nông dân đều khẳng định, khoai tây là cây trồng hiệu quả, phù hợp với điều kiện đồng đất ở nơi đây. Bác Tạ Ngọc Văn, thôn Hậu Thôn phấn khởi cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương thức sản xuất mới, vụ này gia đình tôi trồng 3 sào khoai tây có liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đến nay khoai tây đã đến kỳ thu hoạch và cho hiệu quả cao, năng suất ước đạt 6 tạ/sào, với giá bán đã ký hợp đồng, gia đình tôi có lãi trên 2 triệu đồng/sào. Gia đình bác Văn và người dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi vì hoạt động liên kết sản xuất khoai tây đã hỗ trợ cung cấp giống, phân bón, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm kể cả củ to lẫn củ bé.
Theo ông Dương Đức Hồng, Giám đốc HTX Quang Trung, xã Yên Thái: Năm 2018, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên diện tích 10ha khoai tây vụ đông xuân. Có thể khẳng định đây là vụ đầu tiên HTX mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ đông xuân trên diện tích lớn và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Năng suất bình quân toàn HTX ước đạt 7 tạ/sào. Toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp thu mua, trong đó loại củ to chủ yếu sản xuất thương phẩm và củ nhỏ để làm giống cho các vụ tiếp theo. Với hiệu quả bước đầu, sang các năm tiếp theo HTX tiếp tục vận động, khuyến khích bà con nông dân mở rộng sản xuất khoai tây hàng hóa trên đất màu. Đồng thời chủ động liên hệ với các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế của địa phương.
Bà Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô cho biết: Vụ này, Yên Mô có 34,8 ha đất màu tại 8 HTX: Thụ Bình, Phúc Long, Hồng Thắng, Ngọc Lâm, Quảng Công, Quang Trung, Đông Thôn, Mai Sơn thực hiện mô hình trồng khoai tây có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Ngay từ đầu tháng 12 năm 2017, các HTX nông nghiệp đã chủ động liên hệ với Công ty TNHH phát triển công nghệ và vật tư kỹ thuật Hương Quê, Công ty cổ phần giống cây trồng nông sản xuất khẩu Kiên Giang, Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm 3 loại giống khoai tây chính: Atlantic, Marabel, Erika. Thời gian gieo trồng và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 4.
Về mặt kỹ thuật, có thể khẳng định bà con nông dân đã tuân thủ đúng quy trình mà doanh nghiệp và các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo. Các giống khoai tây trồng trên đồng đất Yên Mô phát triển tốt, khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh cao. Trong vụ xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, bệnh héo rũ, bệnh sương mai, nhện ký sinh gây hại. Nhưng hầu hết các đối tượng sâu bệnh gây hại có mức độ gây hại thấp hơn so với vụ Đông xuân năm 2017 và được bà con nông dân tập trung diệt trừ kịp thời. Sau khi thực hiện đúng quy trình chăm sóc và bảo vệ, đến nay khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt và đang đến kỳ cho thu hoạch. Năng suất bình quân dự kiến đạt 575 kg/sào, tương đương với năng suất khoai tây vụ đông chính vụ; giá trị thu hoạch bình quân đạt hơn 3,8 triệu đồng/sào và lãi sau khi trừ chi phí đạt 2,1 triệu đồng/sào. Đặc biệt tại HTX nông nghiệp Mai Sơn cho năng suất cao nhất, đạt 842kg/sào do sử dụng nhiều phân chuồng để bón, thường xuyên tưới ẩm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Qua vụ sản xuất năm nay cho thấy, để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình sản xuất khoai tây có liên kết sản xuất với các đơn vị, doanh nghiệp. Các xã, HTX nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, đúng quy trình kỹ thuât: Trồng khoai tây tập trung, đảm bảo mật độ theo đúng quy trình, bón phân chuồng, mùn rơm, bã nấm hoặc phân vi sinh, thường xuyên tưới đủ ẩm, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh, nhất là bệnh sương mai để phun trừ kịp thời, đảm bảo năng suất cuối vụ. Có thể khẳng định việc mở rộng diện tích khoai tây vụ đông xuân có liên kết sản xuất đã cho hiệu quả kinh tế cao, cây trồng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, tập quán canh tác và trình độ thâm canh của nông dân trong huyện. Sản phẩm sản xuất ra được các doanh nghiệp ký kết thu mua toàn bộ, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất trong các năm tiếp theo.
Giáng Hương