Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống thiếu văn minh, không hợp vệ sinh, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Ngày Nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ trái đất... với nhiều hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi, áp phích, treo băng zôn, khẩu hiệu, viết các bài tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp của các xã... Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Hiện trên địa bàn huyện được quy hoạch 4 cụm công nghiệp: Mai Sơn, Yên Lâm, Yên Thổ, Khánh Thượng với tổng diện tích trên 88 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ mở rộng lên gần 159 ha. Tại các cụm công nghiệp, các dự án thu hút đầu tư chủ yếu là gia công cơ khí, sửa chữa, lắp ráp, dịch vụ du lịch, vận tải, chế biến nông sản, kinh doanh phân bón, sản xuất giầy da.
Trước khi các dự án được phê duyệt đầu tư vào địa bàn các cụm công nghiệp, huyện tiến hành thẩm định và cấp giấy xác nhận các bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đơn giản, giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm những nội dung đã cam kết bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, việc quan tâm xử lý nước, chất thải trong sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm. Nếu như trước đây trong quá trình chăm bón hoa màu vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật như: bón phân không đúng liều lượng, không đúng thuốc và sử dụng thuốc tràn lan nhất là thuốc bảo vệ thực vật hoặc vứt bỏ các vỏ chai, lọ thuốc trừ sâu ngay tại đồng ruộng thì nay, tình trạng này cơ bản được chấn chỉnh.
Hiện toàn huyện có 154 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở các xã Yên Từ, Yên Lâm, Yên Thái, Khánh Thượng, Mai Sơn..., vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu gom rác thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Cùng với tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thu gom rác thải sinh hoạt. Huyện đã đầu tư kinh phí mua 498 xe thu gom rác cho các xã, thị trấn. Do vậy, hiện nay, hầu hết các xã đã thành lập tổ thu gom rác thải ở các thôn, xóm. Riêng thị trấn Yên Thịnh và khối các cơ quan đóng trên địa bàn huyện do Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị huyện chịu trách nhiệm thu gom vận chuyển.
Việc xử lý rác thải sinh hoạt đã từng bước được tiến hành khoa học. Hiện các xã sau khi thu gom rác thải ở các thôn, xóm đã tập trung vận chuyển rác lên khu xử lý rác ở Nhà máy xử lý chất thải rắn Tam Điệp, cơ bản chấm dứt tình trạng xử lý tại các bãi rác thải lộ thiên.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, song trong quá trình thực hiện, Yên Mô đã gặp không ít khó khăn và bộc lộ những bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường.
Hiện nay ở hầu hết các xã việc thu gom rác thải, thu phí thu gom rác thải và trả công lao động cho người thu gom rác được UBND các xã giao cho các thôn tự đứng ra thu và bố trí thuê người lao động, thiếu hợp đồng chặt chẽ vì vậy vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi ra bờ kênh, mương hoặc vứt trộm ra các bãi trung chuyển rác thải. Mức trả công thấp nên người thu gom thường không cố định và trong công tác thu gom chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Trên địa bàn huyện còn 3 xã chưa thành lập tổ thu gom rác thải ở 1- 2 xóm; xã Yên Mạc xử lý hoàn toàn rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã bằng biện pháp phơi đốt tự nhiên tại bãi xử lý Hồng Thắng và Tây Sơn (khu vực gần núi).
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý về môi trường cấp xã không ai được đào tạo chuyên môn về môi trường và phải kiêm nhiệm nhiều chức danh công việc như: giao thông- thủy lợi- xây dựng- nông nghiệp.
Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường ở một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên nên công tác vệ sinh môi trường chưa đi vào nền nếp.
Xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp không phải là việc của một số người, đã đến lúc công tác bảo vệ môi trường phải được xã hội hóa; các cấp ủy, chính quyền phải coi công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ song hành với phát triển kinh tế- xã hội.
Để khắc phục những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, Yên Mô cần đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường các cấp, đáp ứng những yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ huyện đến cơ sở.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Tăng cường các hoạt động phối hợp thanh, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Quản lý chặt chẽ việc thu gom rác thải sinh hoạt. Đẩy mạnh hoạt động quản lý, sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và y tế. Về lâu dài, huyện cần có giải pháp đưa khoa học công nghệ vào xử lý chất thải...
Mai Lan