Đối với huyện Yên Mô, dù các yếu tố nguy cơ không cao như nhiều địa phương khác, song nhu cầu giao thương cũng như các sinh hoạt văn hóa giữa nhân dân trong huyện với các vùng, miền trong cả nước vẫn diễn ra hàng ngày, do đó việc chủ động phòng, chống dịch bệnh đã được huyện quan tâm, chỉ đạo tập trung. Từ đầu tháng 5, Yên Mô đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A(H1N1) ở người gồm 22 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành viên là trưởng, phó các ngành, đoàn thể.
Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A(H1N1), tập trung vào 3 nội dung: giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, không để dịch lớn xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn phải thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm, xây dựng kế hoạch ứng phó, đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong giám sát, phát hiện dịch.
Với vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Y tế huyện cũng đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H1N1) ở người. Hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Tại Bệnh viện đã thành lập 3 tổ cấp cứu ngoại viện và 1 đội phòng, chống dịch; 1 phòng khám dành cho bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp và khu điều trị cách ly cho những bệnh nhân nghi nhiễm, có 10 giường bệnh, đặt tại khoa Lây. Thuốc, hóa chất, dịch truyền, máy móc thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, theo đúng chỉ đạo của ngành. Toàn bộ đội ngũ cán bộ, thầy thuốc được tập huấn về chuyên môn, được trang bị phương tiện phòng hộ khi cần thiết.
Trung tâm Y tế Yên Mô còn phối hợp với các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống cúm A(H1N1), khuyến cáo người dân có biện pháp tự bảo vệ mình khi đến những nơi đông người hoặc đi vào vùng dịch, nếu có những triệu chứng như sốt, ho, đau người, đau họng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tử vong do đến bệnh viện muộn. Màng lưới báo dịch từ huyện xuống cơ sở cũng được củng cố, duy trì. Mỗi thôn, xóm, khu phố có 1 điểm báo dịch do trưởng thôn và y tế thôn bản đảm nhiệm. Các trạm y tế cũng phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc chống dịch, chuẩn bị buồng bệnh cách ly, các phương tiện cấp cứu, phòng hộ, hóa chất khử khuẩn, đáp ứng yêu cầu khi vừa xuất hiện ca bệnh đầu tiên.
Trung tâm y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong huyện phải thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh, không bị động, hoang mang khi có dịch xảy ra, tổ chức giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi nhiễm, lập danh sách những người tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe hàng ngày, tổ chức điều trị dự phòng cho những người có nguy cơ cao.Để công tác phòng, chống dịch cúm A(H1N1) đạt hiệu quả cao, các địa phương, đơn vị đã triển khai lồng ghép với các chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tăng cường vệ sinh cá nhân, đặc biệt chú ý các trường học, nhất là vào năm học mới.
Hà Trang - Phạm Trường