Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện hai tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá, nhiều đơn vị ký được những đơn đặt hàng đến hết quý II và III. Kết quả đó đã góp phần tạo thêm niềm tin để các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch sản xuất trong năm.Khắc phục những khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay, những tháng đầu năm 2014 Nhà máy gạch Mai Sơn (thuộc Công ty TNHH - Đầu tư và xây dựng Toàn Thành) đã động viên cán bộ, nhân viên, người lao động đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy tính sáng tạo, áp dụng các sáng kiến mới để đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, Nhà máy gạch Mai Sơn phát động cán bộ, nhân viên, người lao động lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí để hoạt động; tập trung quản lý chặt chẽ đầu vào, tiết giảm hao phí nguyên, nhiên liệu, từ đó giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời tăng cường quảng bá thông qua các kênh khác nhau, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến tận các đại lý chân rết, chủ các công trình xây dựng. Với sự cố gắng đó, sản phẩm gạch của Nhà máy vừa đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hợp lý, được khách hàng nhanh chóng biết đến và ưa chuộng. Hiện nay sản phẩm gạch của nhà máy được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong tỉnh và một số địa bàn lân cận như Hà Nam, Nam Định,… Thị phần của Nhà máy đã chiếm tới 50% thị trường gạch đất nung ở Ninh Bình. Những tháng đầu năm không phải là mùa xây dựng nhưng Nhà máy gạch Mai Sơn vẫn tìm được những đơn hàng có giá trị lớn, sản phẩm sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay Nhà máy đã vượt công suất thiết kế từ 20 triệu viên/ năm ở thời điểm đầu đi vào hoạt động lên 25-27 triệu viên/năm. Sản lượng và doanh thu của Nhà máy trong 2 tháng đầu năm đạt ở mức cao, giải quyết việc làm với mức thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Tổng doanh thu của Nhà máy trong 2 tháng ước đạt trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động địa phương là lao động phổ thông tại xã Mai Sơn, Yên Hòa, Yên Thắng, Khánh Thượng, thị trấn Yên Thịnh của Yên Mô; xã Yên Bình của thị xã Tam Điệp và Ninh Vân của Hoa Lư,... với mức lương từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Từ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Toàn Thành cho biết: Trong thời gian tới, Nhà máy gạch Mai Sơn tiếp tục động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động thi đua lao động sản xuất; tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng sản lượng, doanh thu. Đồng thời đảm bảo đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, lương, thưởng, tăng ca,…để người lao động yên tâm ổn định sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trong 2 tháng đầu năm nhờ thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt trên 60 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh và là ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đa dạng: Đá xây dựng; gạch đất nung; gạch không nung; gạch Blốc; đá mỹ nghệ; vôi củ; bê tông thương phẩm,…. đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đã nhận thức được tầm quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu. Nhiều xã trong huyện đã mạnh dạn đưa thêm một số nghề mới về địa phương để người lao động có cơ hội lựa chọn ngành nghề, tìm nghề phù hợp.
Hiện nay ngoài 10 làng nghề truyền thống, trên địa bàn huyện có nhiều nghề mới du nhập được duy trì và phát triển hiệu quả như vặn cún rơm xuất khẩu, đan bèo bồng,... Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với các sản phẩm: thảm cói; chiếu cói; mây tre đan; hàng bèo; lúa non tết bện; thêu ren; đính cườm;...phát triển ổn định, nhiều xã có giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cao, tốc độ tăng trưởng nhanh như: Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Từ, … Hoạt động các làng nghề đã đóng góp khoảng 30-35% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện.
Bài, ảnh: Hồng Giang