Tại cánh đồng Cống Chùa, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, một khu chuyên canh rau, củ, quả rộng hơn 14 nghìn m2 mới được đầu tư xây dựng. Tại đây, những luống dưa chuột đang kỳ thu hoạch rộ, dưa lê bắt đầu cho quả non…
Anh Mai Văn Bản, chủ nhân của mô hình cho biết: Trước cánh đồng này chủ yếu cấy lúa, trồng lạc nhưng hiệu quả thấp, nhiều người bỏ ruộng. Thấy lãng phí quá, 2 năm trước tôi thuê lại để đầu tư sản xuất rau, củ, quả. Luân canh một năm 3-4 vụ, dưa, đậu, cà chua… mùa nào thức ấy, mỗi năm thu về ngót trăm triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 3-4 lao động thường xuyên.
Năm nay, chỉ tính một vụ dưa vàng vừa rồi gia đình đã thu lãi hơn 50 triệu đồng. Trước nhu cầu thị trường gia tăng về mặt hàng rau quả sạch, tôi đã vay thêm nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư xây dựng 1 nhà lưới diện tích hơn 3 sào. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cho năng suất, chất lượng nông sản tốt hơn.
Còn tại khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã Yên Phong, một trang trại chăn nuôi quy mô 9 nghìn con gia cầm, hàng trăm con lợn cũng đã và đang được hoàn thiện, một phần nhờ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết của Ngân hàng CSXH. "Được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi, lại được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi nên gia đình tôi mới mạnh dạn chuyển trang trại từ trong làng ra khu đồng này, để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Hiện nay, gia đình đang nuôi 4.000 gà đẻ, 3.000 gà thịt, ngoài ra còn có vịt, ngan, lợn. Việc sản xuất, kinh doanh này đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của gia đình và địa phương", ông Nguyễn Văn Thứ, chủ trang trại chia sẻ.
Đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cho biết: Với đối tượng khách hàng chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, nên đa phần nguồn vốn được bà con sử dụng vào mục đích phát triển nông nghiệp. Hộ nghèo, hộ khó khăn thì đầu tư nuôi 1-2 con trâu, bò hay mở rộng đàn lợn, đàn gà cũng đã có thể thoát nghèo. Hộ năng động hơn thì phát triển các gia trại, trang trại làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho các lao động địa phương.
Vài năm trở lại đây, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn đã xây dựng quy hoạch và có nhiều chính sách để khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, chất lượng cao. Những mô hình này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn vì thế Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện tối đa, tư vấn cho các hộ dân các chương trình cho vay phù hợp.
Bên cạnh đó, giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ, thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Tính đến ngày 13/8/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 340,976 tỷ đồng. Trong đó dư nợ chương trình hộ nghèo là trên 60,9 tỷ đồng, mới thoát nghèo là gần 40,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần 9,2 tỷ đồng, hộ sản xuất vùng khó khăn 24,2 tỷ đồng…
Được biết, thời gian qua, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Yên Mô chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm. Toàn huyện đã chuyển đổi gần 100 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Có những mô hình như: mô hình chuối - cá; lúa, cá, ốc; nuôi thâm canh thủy sản trạch đồng, trạch sụn, cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha.
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước phát triển mạnh theo hướng gia trại, trang trại theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 27 trang trại với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, 300 gia trại có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2017 đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 997,7 tỷ đồng so năm 2008. Đạt được những thành quả trên phải kể đến những đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng nói chung và tín dụng chính sách nói riêng.
Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu về vốn của người dân, giúp cho nông nghiệp, nông thôn Yên Mô có thêm những xung lực mới, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể đi sâu đi sát tới từng hộ gia đình, nắm bắt nhu cầu vay vốn, xem xét phương án kinh doanh, đặc biệt đối với những mô hình liên kết chuỗi khép kín để xem xét cho vay, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tuy nhiên, người nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp cũng cần phải chủ động, tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, có như vậy thì đồng vốn ưu đãi mới thực sự phát huy được hiệu quả.
Hà Phương