Yên Mô đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tích cực thực hiện công tác quy hoạch, huy động mọi nguồn lực, nhất là vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa công tác làm đường GTNT, đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ ở các xã, thị trấn trong huyện. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, cụ thể hóa khối lượng cần thực hiện, sau đó triển khai, quán triệt đến từng cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền thuyết phục nhân dân tham gia đóng góp làm đường giao thông ngay trong khu dân cư, trong làng xã của mình.
Cùng với đó là việc phân bổ hỗ trợ hợp lý nguồn vốn ngân sách đến các xã, thị trấn theo cơ chế hỗ trợ 20 triệu đồng/km với đường bề mặt 2 m; 24 triệu đồng/km với mặt đường rộng 2,5 m; 32 triệu đồng/km cho đường có chiều rộng 3 m… Để phong trào làm đường giao thông phát triển rộng khắp trên toàn huyện, Yên Mô đã vận dụng quy chế dân chủ trong xây các công trình GTNT trên tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi.
Ngoài huy động nội lực trong khu dân cư, huyện còn vận động con em quê hương, những nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng các tuyến đường trong huyện. Chỉ đạo các địa phương khi triển khai làm đường GTNT cần coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải vào cuộc một cách nhiệt tình, chỉ đạo và điều hành sát với thực tế của từng địa phương, trên cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo và dân chủ của nhân dân.
Các xã, thị trấn khi làm đường GTNT phải có Ban giám sát của dân, đảm bảo quy trình thực hiện giữa giám sát cộng đồng và giám sát chuyên nghiệp. Nhiều công trình do dân tự làm hoặc khoán gọn theo giá địa phương, đã tiết kiệm được chi phí, hạn chế tối đa hiện tượng lãng phí, tiêu cực, thất thoát. Kết quả 18/18 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện quy hoạch và xây dựng các tuyến đường GTNT.
Toàn huyện có trên 450 km đường liên xã, liên thôn thì đã có gần 90% các tuyến được kiên cố hóa. Riêng năm 2007, Yên Mô đã bê tông hóa trên 20 km đường giao thông nông thôn với kinh phí 3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2008, Yên Mô có kế hoạch kiên cố hóa trên 30 km đường giao thông với nguồn vốn huy động trong dân trên 4 tỷ đồng.
Bên cạnh huy động nguồn lực trong dân, huyện còn tranh thủ các dự án của tỉnh và Trung ương như dự án đường đến trung tâm các xã miền núi với chiều dài 15 km, tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đến nay, nhờ công tác giải phóng mặt bằng tiến hành nhanh chóng cùng với sự ủng hộ tích cực của nhân dân, dự án đang được triển khai thuận lợi với gần 7 km đã thi công xong đưa vào sử dụng.
Dự kiến từ nay đến năm 2010, toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn của huyện sẽ được kiên cố hóa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Bài, ảnh: Quốc Khang