Trong các cuộc chiến tranh, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", hàng nghìn người con ưu tú của quê hương Yên Mô đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và gia nhập thanh niên xung phong ra mặt trận chiến đấu đánh đuổi Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên cạnh chi viện sức người cho cuộc kháng chiến, với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả vì tiền tuyến lớn", quân và dân Yên Mô đã chi viện hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam.
Tại địa phương, quân và dân huyện Yên Mô cũng đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi được tu bổ, xây mới; kinh tế phát triển toàn diện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1977, thực hiện Quyết định 125 của Hội đồng Chính phủ, 9 xã phía Bắc huyện Yên Khánh hợp nhất với huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp thành lập huyện Tam Điệp. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huyện ủy phát động toàn dân đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh sản xuất, phân vùng kinh tế, xây dựng các cụm kinh tế. Huyện ủy và UBND huyện đề ra nhiều kế hoạch và biện pháp nhằm làm cho nền kinh tế của huyện ổn định và phát triển; phát động chiến dịch làm thủy lợi tu bổ đê, kè, cống, nạo vét kênh mương, đồng thời khắc phục hậu quả chiến tranh.
Lúc này, nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất được phát động, tạo khí thế cách mạng mạnh mẽ như: Mặt trận Tổ quốc huyện phát động phong trào "Xây dựng nếp sống mới, lao động mới"; Đoàn Thanh niên có phong trào "Làm mạ trên nền cứng" và phong trào "trăm con, vạn cân"; Hội Nông dân huyện có phong trào "Làm chủ tập thể"; Hội Phụ nữ huyện động viên chị em giúp nhau khắc phục thiếu đói và thi đua thực hiện phong trào "Người phụ nữ mới"... Các phong trào thi đua đã động viên quần chúng hăng hái tham gia lao động sản xuất, công tác, đạt năng suất, hiệu quả cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế-xã hội Yên Mô đã không ngừng phát triển và giành được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề. Tổng sản lượng lương thực (quy thóc) năm 1981 đạt 45.000 tấn. Đàn lợn tăng lên 36.000 con. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông-vận tải và xây dựng cơ bản tăng trưởng khá. Ngành tài chính, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải tiến quản lý, thu chi ngân sách, nguồn thu và lượng thu đều tăng. Hàng năm, huyện Tam Điệp đóng góp cho Nhà nước 7.500 tấn lương thực, 1.400 tấn lạc củ, 600 tấn thịt lợn hơi và là một trong số ít huyện của tỉnh Hà Nam Ninh cân đối được lương thực...
Ngày 1-9-1994, thực hiện Nghị định số 59/CP của Chính phủ, huyện Yên Mô được tái lập. Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương kiện toàn bộ máy Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp huyện, ổn định và nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhiều chính sách đã được ban hành để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian này, không khí thi đua lao động, học tập, công tác trong huyện rất sôi nổi, từ làng xã đến các xí nghiệp, trường học, cơ quan, bệnh viện...
Sau 20 năm tái lập huyện, Đảng bộ, quân và dân Yên Mô đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất và đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Năng suất và sản lượng lương thực có hạt năm sau cao hơn năm trước, bình quân lương thực đầu người luôn ở mức cao. Năm 2013, năng suất lúa đạt 120,6 tạ/ha/vụ; sản lượng lương thực có hạt đạt 85.900 tấn; bình quân lương thực đầu người hàng năm đạt 776,6 kg/người.
Sản xuất vụ đông được quan tâm chỉ đạo mở rộng. Các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: lạc đông, bí xanh, ngô giống F1, ngô ngọt, dưa bao tử..., góp phần tăng giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích canh tác lên 96,3 triệu đồng/ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn sinh học. Năm 2013, toàn huyện đã có 23 trang trại và 206 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuyển đổi 327 ha ruộng trũng
sang canh tác cá-lúa kết hợp chăn nuôi trên bờ, giá trị thu nhập cao hơn cấy lúa từ 2,5-3 lần. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2013 đạt 311,1 tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Sau 3 năm thực hiện chương trình, đến hết năm 2013 đã có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 5 xã đạt 10 tiêu chí, 10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí. Xã Yên Thắng phấn đấu cuối năm 2014 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị.
Năm 2013, toàn huyện đã có 124 doanh nghiệp đăng ký, hoạt động với giá trị sản xuất đạt 176,3 tỷ đồng. Các ngành nghề truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, nề, mộc, chế biến nông sản... và các ngành nghề mới như thảm cói, đan bèo, tết bện lúa non sản xuất nấm xuất khẩu và may mặc được khuyến khích phát triển.... Đến nay toàn huyện đã có 11 làng nghề cấp tỉnh. Giá trị dịch vụ năm 2013 đạt 1.450 tỷ đồng; hoạt động du lịch từng bước được xúc tiến đầu tư.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Yên Mô xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững, hoàn thành xuất sắc công tác quân sự - quốc phòng địa phương. Theo đó, tổ chức bộ máy và cán bộ được kiện toàn, đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, công chức, viên chức. Việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được chỉ đạo triển khai sâu rộng đạt hiệu quả rõ rệt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên.
Hiện Đảng bộ huyện có 6.857 đảng viên, sinh hoạt ở 64 tổ chức cơ sở đảng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Hàng năm có từ 85 - 90% chính quyền cơ sở được công nhận vững mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, ổn định. Hàng năm huyện đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Chính sách hậu phương quân đội được thực hiện tốt…
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đặc biệt trong điều kiện hiện nay tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt, đưa đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng phát triển lên một tầm cao mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Hạnh Chi