Chuyển đổi phương thức sản xuất Huyện Yên Mô có 8.600 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.000 ha đất màu và đất lúa-màu, 6.800 ha đất trồng hai vụ lúa và 800 ha nuôi trồng thủy sản. Phần lớn diện tích đất màu và đất lúa màu trên địa bàn huyện được nhân dân tổ chức canh tác từ 2-3 vụ/năm.
Trong đó vụ đông xuân thường trồng lạc, đậu; vụ mùa cấy lúa hoặc trồng đậu tương hè thu; vụ đông trồng ngô thương phẩm, ngô ngọt, rau các loại. Tuy nhiên, khi thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp này đều trùng với thời điểm thu hoạch rộ của các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực miền Bắc nên không tránh khỏi tình trạng "được mùa, mất giá" và ngược lại.
Bên cạnh đó, nhân dân vẫn có thói quen canh tác nhiều giống cây trồng/vụ, chưa hình thành sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ít, trong cả 3 vụ chỉ có duy nhất sản phẩm ngô ngọt vụ đông được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; vẫn còn một số diện tích đất màu, đất lúa - màu trên địa bàn huyện chỉ sản xuất 2 vụ/năm. Do vậy, hiệu quả kinh tế thu được trên diện tích đất màu, đất lúa - màu của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh.
Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, năm 2017 huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã Yên Thái, Yên Phong phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm 4 vụ/năm với công thức luân canh: khoai tây đông xuân + ngô ngọt xuân hè + đậu xanh hè thu + lạc đông trên diện tích 5 ha.
Kết quả sản xuất mô hình điểm cho thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân giá trị thu hoạch trên 1 ha đất canh tác đạt 338 triệu đồng/ha, tăng 2,8 lần so với năm 2016.
Trên cơ sở kết quả xây dựng mô hình điểm và tiềm năng đất màu, đất lúa - màu trên địa bàn huyện, nhu cầu thực tế của thị trường, năm 2018 huyện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo 6 xã (Yên Thái, Yên Lâm, Yên Phong, Mai Sơn, Yên Mạc, Yên Từ) tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng mô hình canh tác 4 vụ với quy mô 34,8 ha.
Gắn kết sản xuất với liên kết bao tiêu sản phẩm
Yên Thái là một trong những địa phương đi đầu thực hiện mô hình sản xuất 4 vụ trên đất màu và lúa - màu trong hai năm qua. Ông Dương Đức Hồng, Giám đốc HTX Quang Trung, xã Yên Thái cho biết: Năm 2017, HTX triển khai xây dựng mô hình điểm trên diện tích 3,5 ha và kết quả thu được rất khả quan, hiệu quả kinh tế cao, ước giá trị thu hoạch đạt trên 300 triệu đồng/ha, tăng 130 triệu đồng/ha so với sản xuất 3 vụ/năm như trước đây.
Năm 2018, HTX tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất 4 vụ có liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên diện tích 10 ha.
Qua hai năm sản xuất cho thấy, để xây dựng thành công mô hình mới, về mặt kỹ thuật, nhân dân cần lựa chọn cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-100 ngày), có năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.
Việc bố trí thời gian gieo trồng trong cả 4 vụ đều sớm hơn, "lệch pha" so với thời vụ gieo trồng trong những năm trước từ 25-30 ngày. Do vậy, các sản phẩm thu được đều là "trái vụ" và giá cả các sản phẩm bán ra cao hơn sản xuất chính vụ từ 20-25%.
Một yếu tố quan trọng nữa tạo nên thành công của mô hình sản xuất 4 vụ đó là tất cả diện tích thực hiện đều được các doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, Yên Mô đang thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với rất nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hương Quê, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang, Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH Thanh An, Công ty á Châu; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ (Viện Cây lương thực và thực phẩm)....
Ông Nguyễn Ngọc Quất, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ cho biết: Trung tâm phối hợp với huyện Yên Mô xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây đậu xanh vụ hè thu và cây lạc giống vụ đông tại một số xã.
Trong quá trình liên kết, Trung tâm cung cấp cho bà con tất cả các yếu tố đầu vào, đặc biệt giống được chọn tạo, có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Về mặt giá cả sẽ thấp hơn bên ngoài thị trường để giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân. Trong quá trình sản xuất, Trung tâm đều đồng hành với bà con nông dân, cử cán bộ bám cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật từ gieo giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm đầu ra, Trung tâm đảm bảo thu mua hết cho bà con theo giá đã ký kết.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, qua hai năm sản xuất cho thấy khi chuyển sang canh tác 4 vụ trong năm thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu hoạch trên 338 triệu đồng/ha và thu nhập bình quân đạt trên 235 triệu đồng/ha/năm, cao hơn canh tác 3 vụ/năm là 173 triệu đồng/ha/năm.
Có thể khẳng định cây khoai tây vụ đông xuân, ngô ngọt hoặc đậu tương, rau vụ xuân hè, đậu xanh hè thu và cây lạc đông phát triển rất tốt, phù hợp với chất đất, khí hậu, trình độ kỹ thuật của nhân dân địa phương, cho năng suất cao tương đương canh tác chính vụ, riêng ngô ngọt vụ xuân hè cho năng suất cao hơn vụ đông từ 25-30%, sâu bệnh hại trong cả 4 vụ canh tác đều tương đương và thấp hơn so với canh tác chính vụ.
Các sản phẩm được các doanh nghiệp thu mua toàn bộ, người dân yên tâm sản xuất không lo tình trạng "được mùa, mất giá" và các HTX nông nghiệp được các doanh nghiệp chi trả tiền chi phí quản lý, điều hành đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên Ban quản trị.
Từ đó tạo động lực cho các hộ nông dân và thành viên trong HTX nông nghiệp tích cực, chủ động tổ chức sản xuất các cây trồng thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Mô hình này rất phù hợp để nhân rộng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện, Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi từ mô hình sản xuất 3 vụ/năm sang mô hình 4 vụ/năm trên đất màu và đất lúa - màu.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị có quỹ đất màu, đất lúa - màu trên địa bàn huyện đều có kế hoạch mở rộng diện tích canh tác 4 vụ/năm trong năm 2019. Đồng thời chỉ đạo các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Yên Mô là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi theo phương thức sản xuất 4 vụ/năm thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên đất màu và đất lúa - màu. Việc xây dựng thành công mô hình là điều kiện tốt để nhân dân các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng, góp phần tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật ở địa phương.
Giáng Hương