Đồng chí Nguyễn Văn Phấn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện cho biết, tình hình dịch bệnh năm nay phát triển sớm và mạnh hơn mọi năm, ảnh hưởng trực tiếp tới cây lúa đang thời kỳ sinh trưởng, nhất là các bệnh về nhiễm khuẩn, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, sâu cuốn lá...
Vụ xuân năm nay, do giá phân kali cao nên đầu vụ người nông dân đầu tư tương đối ít, vì vậy lúa tốt không cân đối gặp điều kiện thời tiết bất lợi dịch bệnh sẽ rất dễ bùng phát. Ngoài ra, từ trung tuần tháng 3 thời tiết âm u, liên tiếp có mưa phùn, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên quy mô rộng. Đáng chú ý nhất là bệnh đạo ôn lá, đây là một trong những loại bệnh nguy hiểm đối với cây lúa ở mọi thời kỳ:
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, hiện nay Yên Mô là địa phương có diện tích nhiễm đạo ôn lớn với 1.200 ha, trong đó có 350 ha bị nhiễm nặng và xuất hiện một số ổ lùn lụi. Tập trung vào các giống lúa chất lượng cao như LT2, Bắc thơm số 7 và nếp Thái Bình tại các HTX Vĩnh Yên, Bình Hải (xã Yên Nhân), HTX Đông Sơn (xã Yên Mạc), HTX Côi Trì (xã Yên Mỹ).
Bên cạnh đó, rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ cũng đang diễn biến phức tạp, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có mật độ bình quân 6,5 con/m2, nơi cao 17-25 con/m2; mật độ trứng rầy nâu khoảng 600 quả/m2 và đang trong thời kỳ đẻ rộ. Với tình hình thời tiết có độ ẩm cao, mưa phùn nhiều và ít nắng như hiện nay thì nguy cơ có thể bùng phát dịch trên diện rộng và những khu vực nhiễm bệnh nặng có thể giảm từ 1/3 đến 1/2 năng suất lúa.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngay từ đầu vụ, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã thường xuyên cử cán bộ xuống thực tế ở các địa phương để nắm bắt tình hình, mỗi tuần đều có một bảng tổng kết, báo cáo tình hình sâu bệnh và đưa ra những giải pháp cụ thể. Thông báo diễn biến và cách phòng, chống dịch bệnh được thông tin thường xuyên trên đài truyền thanh các xã, thị trấn và đài huyện.
Đến thời điểm này, Trạm bảo vệ thực vật huyện đang tích cực phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân lách thời tiết, gạt sương phun trừ những thửa ruộng có tỷ lệ bệnh từ 2% số lá trở lên bằng các loại thuốc: Bum 650 WP, Beam Super 75WP, Fujione 40 EC. Đối với diện tích bị nhiễm bệnh từ 5% số lá trở lên cần phải phun kép 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày với lượng thuốc đã pha từ 20-25 lít/sào. Cán bộ ngành Nông nghiệp, khuyến nông viên cơ sở cùng người dân thường xuyên tổ chức thăm đồng để nắm bắt tình hình phát sinh sâu bệnh hại trên lúa, các ổ dịch cũ và diễn biến thời tiết, khí hậu thời gian tới (nhất là từ giữa tháng 4 đến tháng 5 là thời kỳ cao điểm sâu bệnh phát sinh) để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa xuân.
Xã Yên Nhân là một trong những địa phương có diện tích lúa khá lớn của huyện với trên 690 ha, trong đó trên 41% diện tích cấy giống lúa chất lượng cao, ngoài ra còn có các giống lúa lai, lúa nếp… Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên nhiều diện tích lúa xuân của xã bị nhiễm các loại bệnh: Sâu cuốn lá, rầy nâu, nhất là bệnh đạo ôn xuất hiện với mật độ cao trên các giống LT2, Nhị ưu 838, Phú ưu 978….
Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vĩnh Yên cho chúng tôi biết: "Từ khi phát hiện dịch bệnh, đài truyền thanh của xã liên tục thông tin cho nhân dân về tình hình sâu bệnh, khuyến cáo bà con nông dân những loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. Do chủ động trong công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh nên diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn của HTX đang được khống chế, không để lan rộng.
Hiện chúng tôi đang tích cực phát động bà con nông dân tiến hành khoanh vùng, dập dịch bệnh bằng cách sử dụng hợp lý các loại thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với vệ sinh đồng ruộng, giữ đủ nước, chỉ đạo bà con dừng bón các loại phân kể cả phân bón qua lá đối với diện tích lúa bị bệnh".
Trong thời gian tới, huyện Yên Mô sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật huyện phối hợp chặt chẽ với các HTX nông nghiệp tăng cường theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có những biện pháp kịp thời, tránh những ảnh hưởng xấu tới năng suất lúa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người nông dân mua đúng, đủ các chủng loại thuốc nhằm phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Quốc Khang