Dự tính diện tích lúa trỗ trước ngày 20/5 chỉ vào khoảng 150 ha (bao gồm các giống ngắn ngày, chịu rét tốt như KD 18, Qưu 1). Hiện nay, tốc độ sinh trưởng, phát triển của các trà lúa khá nhanh, một số diện tích lúa bón nhiều đạm, xanh tốt, bản lá to, mỏng cộng thêm hiện tượng thời tiết mát, đêm và sáng có sương mù, mưa giông sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại đặc biệt là bệnh đạo ôn lá.
Tại HTX Liên Dương, trên các trà lúa đã rải rác xuất hiện bệnh đạo ôn lá và biểu hiện của bệnh lùn sọc đen(LSĐ). Trước tình hình trên, Ban quản trị HTX đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc nội hấp để phun trừ rầy, khống chế không để bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Đến nay toàn HTX đã phun trừ được trên 40 ha. Đối với bệnh LSĐ, HTX hướng dẫn bà con nhổ bỏ những cây có triệu chứng bị bệnh thấp lùn và phun trừ rầy môi giới, nhìn chung những ruộng bị bệnh đã phục hồi khá tốt.
Qua kiểm tra thăm đồng và báo cáo thống kê của Phòng kinh tế huyện, hiện nay, ở Yên Mô đã có trên 70 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 20 ha, đã xuất hiện một số ổ lùn lụi. Các giống lúa bị nhiễm nặng là: Q5, Nếp thơm, Thụy hương 81, BC 15... tập trung nhiều ở các HTX: Yên Thượng, Phú Trì, Trinh Nữ, Quang Trung. Ngoài ra, tại HTX Liên Dương, Hưng Hiền, Hồng Thắng. Bệnh LSĐ đã xuất hiện và gây hại cục bộ, tổng diện tích nhiễm bệnh là trên 6 ha. Bên cạnh đó bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy các loại cũng đã bắt đầu phát sinh và gây hại với tốc độ khá nhanh.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung tăng cường cán bộ kỹ thuật bám điểm, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo cho bà con thường xuyên kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phun trừ kịp thời.
Đối với bệnh đạo ôn hại lá, nếu phát hiện vết cấp (từ 3% số lá trở lên) thì phun trừ bằng các loại thuốc tác động theo cơ chế nội hấp, những diện tích bị nhiễm nặng cần phun kép từ 2-3 lần và sử dụng các thuốc tác động theo cơ chế tiếp xúc, bên cạnh đó cần dừng bón phân, kể cả kali và thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá cho những diện tích đã nhiễm bệnh cho đến khi lúa có lá mới trải đều không còn vết bệnh, đảm bảo đủ nước tưới từ 7-10 cm. Đối với sâu cuốn lá nhỏ cần tập trung theo dõi đợt sâu đang rộ tuổi 4,tuổi 5 trên đồng ruộng vì đợt sâu này sẽ chuyển sang lứa sau có thể ảnh hưởng đến lá đòng. Đối với bệnh LSĐ tiếp tục theo dõi nhổ vùi những cây có triệu chứng thấp lùn và phun trừ rầy môi giới.
Đối với rầy cần tăng cường kiểm tra phát dục để phun trừ ngay từ lứa 3, tránh hiện tượng cháy rầy cuối vụ. Bằng các biện pháp trên, nông dân và huyện Yên Mô đang tập trung đẩy lùi các loại sâu bệnh trên đồng ruộng, quyết tâm phấn đấu dành một vụ lúa xuân thắng lợi.
Nguyễn Lựu