Xã Yên Phong là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp so với mức bình quân chung của huyện Yên Mô, đây là xã có sự phát triển mạnh về các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thành Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với sản xuất nông nghiệp, việc phát triển ngành nghề được xã đặc biệt quan tâm nhằm giải quyết việc làm cho người nông dân lúc nông nhàn. Do đó, từ nhiều năm nay, bám sát vào nhu cầu thực tế của người dân, xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện để từng bước đưa các ngành nghề phù hợp về địa phương.
Hiện nay, các nghề như: bện lúa non, đan bèo, trồng nấm, cơ khí, mộc… phát triển mạnh ở xã, thu hút đông lao động tham gia. Thuận lợi của xã trong việc phát triển ngành nghề là trên địa bàn hiện có 2 doanh nghiệp hoạt động, bao tiêu sản phẩm nấm, 1 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm từ bèo, lúa non nên người dân yên tâm theo nghề, không phải lo lắng về việc tìm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã hiện có từ 400-500 lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp.
Tại xưởng sản xuất nấm, mộc nhĩ của một doanh nghiệp tại xã Yên Phong, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với chị Nguyễn Thị Cám (thôn Khương Dụ), chị phấn khởi cho biết: Nhà chỉ có hai mẹ con, bản thân lại thường xuyên đau ốm nên chị không tham gia sản xuất nông nghiệp được. Được sự quan tâm của địa phương, chị được tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm do xã phối hợp tổ chức. Từ năm 2013 đến nay sau khi học nghề, chị được nhận vào làm tại cơ sở trồng nấm của địa phương với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Do đó, cuộc sống của hai mẹ con đã bớt khó khăn…
Điều dễ nhận thấy ở xã Yên Phong là việc phát triển các ngành nghề đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Năm 2014, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% để đạt được tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với đồng chí Đỗ Trọng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết thêm: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Yên Mô đã có sự chỉ đạo sát sao để công tác này đạt hiệu quả. Huyện đã có kế hoạch về việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo công tác dạy nghề trên địa bàn huyện và trực tiếp phụ trách lĩnh vực nghề phi nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách lĩnh vực nghề nông nghiệp.
Năm qua, huyện đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với các ngành nghề: may công nghiệp, thêu ren, đan cói, đan bèo, bện lúa non, xây dựng, điện, nước…; tổ chức được 5 lớp dạy nghề nông nghiệp với các lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, trồng nấm, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh… với gần 500 lao động tham gia học nghề. Qua kiểm tra, theo dõi nhìn chung các lớp dạy nghề đã thực hiện tốt việc trang bị cho học viên kiến thức, có tay nghề phù hợp với nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp, tổ hợp tại địa phương. Sau học nghề, đã có trên 70% số học viên có việc làm với thu nhập thường xuyên, ổn định từ 1,5 triệu đồng- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiệu quả từ hoạt động đào tạo nghề còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm hơn 2,8%, đến hết năm 2013 còn 7,23%.
Thực tế từ công tác dạy nghề trên địa bàn huyện Yên Mô cho thấy, công tác dạy nghề đã có sự quản lý chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các đoàn thể, nhân dân trong việc tham gia các lớp đào tạo nghề.
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo thông qua làm nghề phụ, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị dạy nghề thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tập trung đào tạo các nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong đó, chú trọng dạy nghề cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động bị thu hồi đất, lao động nữ, lao động thuộc gia đình chính sách.
Đối với Trung tâm dạy nghề của huyện là đơn vị có chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, qua thực tế tổ chức dạy nghề những năm qua, Trung tâm đã bám sát nhu cầu thực tiễn ở địa phương, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn để phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nên các lớp dạy nghề được mở ra đều thu hút đông lao động tham gia. Từ các lớp dạy nghề của Trung tâm, các nghề: đan cói, bèo bồng, bện lúa non, trồng nấm, may, thêu ren… đã đến được với người nông dân, trở thành các nghề tiểu thủ công nghiệp quen thuộc của các địa phương trong huyện.
Với việc liên kết với 8 doanh nghiệp trên địa bàn, Trung tâm phấn đấu năm nay mở được 9 lớp đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động địa phương với các ngành nghề đã và đang phát triển ở các xã, thị trấn trong huyện, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động tại mỗi địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,5% vào cuối năm 2014.
Bài, ảnh: Bùi Diệu