Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Mô đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Yên Mô giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tích cực áp dụng khoa học công nghệ mới, đưa giống cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Hiện toàn huyện có diện tích lúa gieo thẳng đạt 8.350 ha, chiếm 62,2%, có hơn 303 ha cây trồng hàng hóa (lạc, ngô ngọt, đậu xanh, khoai tây) thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các địa phương trong huyện tích cực triển khai.
Riêng năm 2017, huyện Yên Mô đã chuyển đổi được 57 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả hoặc trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản; chuyển đổi thêm 45 ha sản xuất theo mô hình thâm canh lúa- cá, nâng tổng diện tích đã chuyển đổi toàn huyện đến nay lên 546 ha; xây dựng 5 ha mô hình canh tác 4 vụ trong năm (khoai tây đông xuân + ngô ngọt xuân hè + đậu xanh hè thu + lạc đông) ở Yên Thái và Yên Phong.
Các cây trồng, con nuôi thực hiện trong các mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, canh tác ở địa phương, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi. Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác ước đạt 116 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,7 triệu đồng/ha/năm so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 2,19%.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Yên Mô quan tâm đến công tác tập huấn, đào tạo nghề, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có 175 doanh nghiệp đang hoạt động, 13 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động thường xuyên.
Thu nhập bình quân toàn huyện đạt 32 triệu đồng/người/ năm, có 13 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 2 xã so năm 2016. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở cùng với sự cố gắng của chính bản thân người nghèo, năm 2017 hộ nghèo toàn huyện giảm 1,5% so năm 2016; hộ cận nghèo giảm 0,82% so với năm 2016.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được các địa phương trong huyện quan tâm thực hiện. Năm 2017, từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và vốn huy động, huyện Yên Mô đã hoàn thành 2 km đường trục xã, liên xã; các xã đã tiếp nhận 1.900 tấn xi măng triển khai xây dựng, nâng cấp 25 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp 3,1 km đường trục chính nội đồng. Hệ thống các công trình thủy lợi được tu bổ, nâng cấp đảm bảo khả năng tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Yên Mô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi như: Cống Cổ Đà, cống Zem, cống Lạc Hiền, cống Quảng Bình, trạm bơm Cống Hổ, cống xóm Trại xã Khánh Dương. Khởi công xây dựng các công trình: trạm bơm Thọ Thái, trạm bơm Đa Tán, hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau xã Yên Hòa, nâng cấp, kiên cố hóa 2 km kênh mương nội đồng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp ở xã Yên Thái, Yên Đồng..., đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất.
Hệ thống điện được nâng cấp, cải tạo thường xuyên, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa.... cũng được quan tâm thực hiện, đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến hết năm 2017, bình quân toàn huyện đạt 16,6 tiêu chí/xã (tăng 1,4 tiêu chí/ xã so năm 2016) và có thêm 2 xã Yên Lâm và Khánh Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 8 xã.
Trong năm 2018, Yên Mô đặt mục tiêu duy trì giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi xã hoàn thành thêm từ 1- 4 tiêu chí nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ 2 xã Yên Phong và Yên Mạc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và xã Yên Từ từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Để hoàn thành mục tiêu trên, năm 2018, Yên Mô tập trung huy động các nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn lực từ các Chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện trên địa bàn để lồng ghép thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời triển khai đồng bộ các gải pháp đã đề ra như: Tập trung thực hiện tốt công tác rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương, mở rộng diện tích lúa gieo vãi ở những địa phương đã có kinh nghiệm gieo vãi, lúa chất lượng cao, ngô ngọt, cây trồng hàng hóa và quy hoạch sản xuất vụ đông gọn vùng đảm bảo hiệu quả ăn chắc.
Nâng cao hiệu quả sản xuất các mô hình chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và chăn nuôi, mô hình đa canh…Đẩy mạnh phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức và huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện chương trình, tiếp tục chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa các thôn, xóm, chỉnh trang nhà ở dân cư, cải tạo vườn tạp trong khu dân cư, từng bước hoàn thiện hệ thống công trình tiêu thoát nước, chỉnh trang nghĩa trang đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu triển khai dự án nâng cấp các tuyến đường trục các xã, liên xã, tập trung chỉ đạo nâng cấp, chỉnh trang đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nâng cấp, cải tạo trạm điện, hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn sử dụng điện....
Riêng với các xã Yên Mạc và Yên Phong, cần tranh thủ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chủ động huy động mọi nguồn lực có giải pháp cụ thể để sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.
Hồng Giang